Ngày đăng bài: 12/12/2024 09:50
Lượt xem: 75
Xây dựng văn hóa đọc cho sinh viên đại học, cao đẳng trong kỷ nguyên số
Từ xa xưa cho tới ngày nay, sách luôn gắn bó với đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đọc sách là nét đẹp văn hóa, giúp ta mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực, rèn luyện cho ta những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Với thời đại công nghệ số hiện nay, việc đọc không chỉ giới hạn trong các tài liệu in truyền thống mà còn mở rộng trên các phương tiện ng

Thực tế cho thấy, văn hóa đọc rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại và góp phần không nhỏ cho sự phát triển xã hội. Văn hóa đọc cần được khơi dậy ngay từ trong gia đình, nhà trường, các cơ sở văn hóa, thư viện... tạo thành một phong trào toàn dân đọc sách. Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020 định hướng 2030 của Bộ VHTTDL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về việc xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên... cũng như sự cần thiết phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp, đẩy mạnh phong trào đọc, xây dựng hệ thống đọc trong tương lai.

Thư viện Trường Đại học Tiền Giang

Tầm quan trọng của đọc sách đối với sinh viên

Với xu thế phát triển của khoa học và công nghệ, nhiều người lầm tưởng văn hóa nghe, nhìn mới là tiên tiến. Nhưng trong thực tế, văn hóa đọc vẫn luôn là nền tảng của một xã hội học tập, là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Mọi người, dù làm những ngành nghề khác nhau, lứa tuổi khác nhau, sở thích và khả năng khác nhau… thì năng lực đọc hiểu vẫn luôn là yêu cầu hàng đầu phục vụ cho công việc và cuộc sống. Đối với “người học” nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng thì văn hóa đọc lại càng quan trọng hơn, vì nó là một yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả của quá trình tự học; mà tự học lại đóng vai trò quyết định hiệu quả của quá trình học tập trong nhà trường cũng như trong suốt cuộc đời của mỗi người. Hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú còn giúp học sinh, sinh viên phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, đồng thời giúp các em cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ trợ bên cạnh những bài giảng của giảng viên, để có cái nhìn toàn diện hơn về xã hội - nơi các em sẽ được trải nghiệm sau khi rời ghế nhà trường.

Ngày 15-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn; vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Trong thực hiện Đề án, các nhà trường, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng đã góp phần quan trọng trong việc triển khai, đẩy mạnh phong trào đọc sách ở mỗi lớp, mỗi khoa và mỗi sinh viên.

Nhìn lại 5 năm qua, các hoạt động khuyến đọc nói chung và tại các nhà trường nói riêng đã khẳng định rõ giá trị của việc đọc sách giúp cho con người tiếp thu được những kho tàng tri thức của nhân loại. Phát triển văn hóa đọc là nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, số lượng người tìm đến sách có phần suy giảm nhất là trong giới học sinh, sinh viên. Họ thường sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để truy cập thông tin, giải trí… mà quên mất một điều cần tiếp cận với nguồn thông tin chính thống từ sách để có sự so sánh và bổ sung những thông tin đang chưa đầy đủ trên mạng xã hội. Chính vì vậy, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng đọc trong nhà trường để phát triển, nâng cao văn hóa đọc là điều rất cần thiết hiện nay.

Sinh viên học tập tại Thư viện Trường Đại học Tiền Giang

Nâng cao văn hóa đọc, phục vụ người sử dụng thư viện tại trung tâm thông tin - thư viện các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam

Việc nuôi dưỡng, phát triển văn hóa đọc ở trường học hoặc trong cộng đồng bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng đã được quan tâm, đầu tư trung tâm thông tin - thư viện hướng đến tiêu chí: hiện đại, thân thiện, tiện ích, để đáp ứng tối đa nhu cầu của sinh viên, nhà nghiên cứu và giảng viên. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn trong việc xây dựng một thư viện hiện đại hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ cho việc đọc, học tập và nghiên cứu. Để duy trì và nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường, chúng ta không thể không quan tâm đến những yếu tố tạo nên sự thu hút đối với người sử dụng thư viện - thông tin. Cụ thể:

Về không gian thư viện

Hiện nay, xây dựng một thư viện với nhiều chức năng, nhiều dịch vụ tiện ích là điều được các ban giám hiệu nhà trường quan tâm và trăn trở. Tuy nhiên, để xây dựng được thư viện hiện đại và phục vụ người sử dụng một cách hiệu quả nhất vẫn đang là một bài toán không dễ dàng tìm ra câu trả lời. Bên cạnh vấn đề tài chính, tư duy, suy nghĩ và quan điểm cũng là yếu tố rào cản. Tuy vậy, thực tế đã minh chứng, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao, thư viện phải luôn thay đổi, cập nhật, làm mới mình để có thể phục vụ người sử dụng thư viện một cách tốt nhất. Đối với vấn đề này, các thư viện nước ngoài hiện nay đang làm rất tốt và các trung tâm thông tin - thư viện tại Việt Nam cũng đang dần “chuyển mình”.

Tính đến hết năm 2022, rất nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã quan tâm đầu tư sửa chữa, xây mới các trung tâm thông tin - thư viện. Trung tâm thông tin - thư viện trường giờ không chỉ là nơi đến để mượn sách hoặc giáo trình về học mà đã trở thành nơi để học sinh, sinh viên, giảng viên tìm đến học tập, nghiên cứu và trao đổi thông tin cần thiết. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các nhà giáo dục đã nhìn nhận, tiếp cận đối với các thư viện theo chiều hướng tích cực. Các trường đại học, cao đẳng đã và đang xác định lại không gian thư viện; cải tạo cấu trúc thư viện hiện có. Có nhiều nơi thiết kế, xây dựng các tòa nhà thư viện mới nhằm hướng tới đáp ứng, phục vụ tốt nhất cho người sử dụng thư viện với không gian tiện ích, hiện đại và tài nguyên thông tin chất lượng, đa dạng. Sự cởi mở này đã mang đến cho các thư viện hiện đại sự linh hoạt chưa từng có trước đây, cho phép thư viện theo kịp các xu hướng để chuyển đổi phục vụ, hỗ trợ cho giảng dạy, nghiên cứu trong giáo dục đại học, cao đẳng như nhấn mạnh vào việc tạo ra các không gian thư viện có thể được tận dụng cho nhiều mục đích, linh hoạt và đa dụng.

Đi đầu trong việc tạo ra một không gian thư viện hiện đại, tiện ích không thể không nhắc đến Thư viện Trường Đại học Tôn Đức Thắng - một mô hình thư viện hiện đại đang được rất nhiều thư viện tại Việt Nam đến tham quan, học hỏi.

Về nguồn lực thông tin

Ngoài việc xây dựng một không gian thân thiện, nguồn lực thông tin trong thư viện cũng cần được đầu tư, bổ sung, cập nhật đầy đủ và kịp thời. Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, toàn bộ hoạt động của con người được chuyển lên môi trường mạng, trong đó có lĩnh vực thư viện. Chuyển đổi số đã và đang giúp thư viện xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin - thư viện quốc gia; góp phần xây dựng và hình thành một xã hội học tập. Có thể nói, chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực thư viện cũng như công tác phục vụ người sử dụng thư viện.

Nhận thức đúng đắn về vấn đề này, các trường đại học, cao đẳng cũng đang nỗ lực xây dựng các chính sách cập nhật, bổ sung các nguồn học liệu phù hợp để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên. Các cơ sở dữ liệu nội sinh, ngoại sinh và các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên liên tục được cập nhật và chuyển dạng số để phục vụ diện rộng. Song song với đó, các cơ sở dữ liệu sách, báo tạp chí ngoại văn cũng được bổ sung bên cạnh nguồn tài liệu in để tạo nên nguồn lực thông tin phong phú, đầy đủ và cập nhật.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn lực thông tin, các trung tâm - thư viện cũng cần chú trọng nghiên cứu nhu cầu của người sử dụng thư viện, bởi nó quyết định đến nội dung tri thức mà thư viện mong muốn phát triển. Đặc biệt, trong trường đại học, cao đẳng, mỗi ngành nghề đào tạo đều có người sử dụng thư viện khác nhau với nhu cầu thông tin khác nhau cả về hình thức và nội dung. Vì vậy, ngoài việc quan tâm đến số lượng nguồn lực thông tin, các trung tâm thông tin - thư viện cũng cần quan tâm đến chất lượng nội dung nguồn lực thông tin để đáp ứng hiệu quả nhu cầu người sử dụng thư viện.

Các tiện ích bổ trợ

Một thư viện hiện đại cần xây dựng hoặc cải tạo theo hướng không gian mở, rộng, thoáng, là nơi gặp gỡ mọi người đến sử dụng thư viện. Tùy theo mỗi thư viện sẽ được phân bố những khu vực khác nhau trong thư viện với những tính năng mở hơn như khu đọc sách, khu nghiên cứu chuyên sâu, khu trao đổi/ thảo luận nhóm, khu sử dụng các phương tiện nghe nhìn, khu thư giãn sau những giờ học căng thẳng…

Xu hướng xây dựng một thư viện phức hợp đang thu hút được sự quan tâm của người sử dụng thư viện. Để văn hóa đọc lan tỏa và phát triển hiệu quả, việc ngồi đọc sách trong các phòng chức năng với bàn, ghế được sắp xếp sẵn sẽ tạo nên sự gò bó và giảm hứng thú khi đọc. Việc xây dựng mô hình thư viện mở, không gian đọc có thể được thiết kế xen kẽ với các kệ sách hoặc sinh viên có thể đọc sách ở mọi nơi họ muốn với không gian thông thoáng, tiện nghi. Ngoài ra, không gian đọc dữ liệu số cần được trang bị đầy đủ các thiết bị nghe, nhìn phù hợp. Nội dung các nguồn học liệu đầy đủ, phù hợp với ngành học, hoặc lĩnh vực đang được nhà trường triển khai đào tạo để hỗ trợ nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trong quá trình nghiên cứu, học tập.

Tham gia tích cực Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4)

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách. Ngày sách Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2014. Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21-4 hằng năm trên toàn quốc, tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhiều trường đại học, cao đẳng đã tổ chức các hoạt động gắn với sách và văn hóa đọc. Ngày hội đã thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên tham gia từ đó nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng đam mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày.

Để Ngày sách và Văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ, các trường đại học, cao đẳng cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động trong ngành; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin trực tuyến; kỹ năng tiếp nhận và sử dụng tài nguyên thông tin thông qua việc đọc; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành trung tâm thông tin - thư viện cho những người làm công tác thư viện trường học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông trong việc xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và người dân trong cộng đồng.

Tổ chức các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách, đọc và viết cảm nhận về sách

Nhằm mục đích thu hút học sinh, sinh viên quan tâm thường xuyên đến đọc sách tại trung tâm thông tin - thư viện thì ngoài các yếu tố như cơ sở vật chất, phòng đọc thoáng mát, rộng rãi, nguồn tài nguyên thông tin phong phú… thư viện cũng cần thường xuyên giới thiệu những cuốn sách mới, hay và có tính hấp dẫn đối với người đọc. Điều đó sẽ làm tăng số lượng người đọc quan tâm đến đọc sách tại thư viện.

Những năm gần đây, thư viện, trung tâm thông tin các trường đại học, cao đẳng luôn tích cực hưởng ứng hoạt động phát triển văn hóa đọc do Bộ VHTTDL phát động. Theo đó, nhiều nhà trường đã khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách dưới mọi hình thức trực tiếp và trực tuyến, từ giới thiệu cho đến viết cảm nhận về những cuốn sách hay, những cuốn sách đạt giải thưởng. Do đó, các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước đã trở thành “cầu nối”, đại sứ văn hóa đọc, khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Duy trì và phát huy các cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu sách, viết cảm nhận về những cuốn sách hay… còn giúp thư viện góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phục vụ công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Đó cũng là biện pháp giúp thu hút người đọc, là công cụ để kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh các hoạt động khác trong thư viện. Việc vận dụng đúng, đủ, và sáng tạo các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách trong thư viện sẽ đem lại những lợi ích cho sự phát triển bền vững của các thư viện. Giá trị nhận được từ các cuộc thi không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của sự kiện mà còn tiếp tục lan tỏa, giới thiệu những cuốn sách hay tới người đọc trẻ tuổi nói riêng và góp phần nâng cao văn hóa đọc cho công chúng.

Kết luận

Với việc thực hiện Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phong trào đọc sách tại các trung tâm thông tin - thư viện trường đại học, cao đẳng đã có nhiều khởi sắc và đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Công tác thông tin, tuyên truyền hưởng ứng phong trào đọc sách tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc trong sinh viên, học viên. Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa và bền vững, các trường đại học, cao đẳng cần không ngừng đổi mới phương thức, mô hình quản lý, giáo dục về văn hóa đọc, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp khuyến khích học tập, nghiên cứu, đánh thức niềm đam mê đọc sách của sinh viên trong nhà trường. Có như vậy, mới có thể nâng cao văn hóa đọc, góp phần nâng cao nhận thức khoa học, bồi dưỡng tư tưởng và tình cảm cao đẹp cho sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước.

______________

Tài liệu tham khảo

1. L.P, Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồngbaochinhphu.vn, 16-8-2021.

2. N.N, Những phương pháp hay để xây dựng văn hóa đọc ở trường học, ictvietnam.vn, 28-3-2022.

3. Không gian trong thư viện hiện đạiinno.com.vn.

4. Thư viện - Tổ chức không gian học tập thân thiện, điểm đến yêu thích của mọi ngườinlv.gov.vn, 12-4-2022.

5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030thuvienphapluat.vn.

6. Trung tâm Thông tin - Thư viện, Ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4vuted.edu.vn, 12-4-2022.

7. Thế Tưởng, Ngành Giáo dục hướng ứng ngày Sách và Văn hóa dọc Việt Namvuthuvien.bvhttdl.gov.vn, 30-3-2022.

Ths PHẠM VĂN PHÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023