Ngày đăng bài: 18/12/2024 13:19
Lượt xem: 53
Một số yêu cầu cơ bản khi triển khai số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số

I. Đặt vấn đề

Số hóa tài liệuxây dựng các bộ sưu tập số cho thư viện số là xu hướng tất yếu của thư viện nói riêng và các cơ quan, đơn vị có thực hiện số hóa để chuyển đổi số nói chung. Nếu có dự án/chương trình số hóa, các cơ quan, đơn vị sẽ thực hiện như thế nàobắt đầu từ đâutriển khai như thế nào?, làm thế nào để đảm bảo hiệu quả một chương trình số hóa thường rất tốn kémnhiều rủi ro....

Bài viết đề cập một số yêu cầu cơ bản cần lưu ý trong công tác quản lý khi triển khai số hóa tài liệu, đảm bảo xây dựng và phát triển các bộ sưu tập số và thư viện số hiệu quả, an toàn, bền vững với kinh nghiệm thực tiễn tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

II. Các yêu cầu cơ bản khi triển khai số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số.

Số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số một cách bài bản, hiệu quả, an toàn và bền vững không phải là việc đơn giản. Vì công tác số hóa nói chung và số hóa tài liệu nói riêng được coi rất tốn kém, khi triển khai thực hiện đòi hỏi nguồn lực lớn về hạ tầng công nghệ thông tin, tài chính và nhân lực, nếu thực hiện không đúng sẽ gây lãng phí rất lớn.

Trong thực tế, có rất nhiều yêu cầu cần phải tuân thủ khi triển khai số hóa tài liệu, đặc biệt là yêu cầu kỹ thuật, quy trình và những biện pháp kỹ thuật khác nhằm đảm bảo dự án được duy trì và phát triển bền vững. Theo đó các yêu cầu cần phải được xem xét nghiêm túc ngay khi bắt đầu lập kế hoạch và kéo dài trong suốt quá trình triển khai cũng như vận hành dự án, cụ thể với các yêu cầu cần tuân thủ như sau:

2.1. Tuân thủ các nguyên tắc xây dựng bộ sưu tập số 

Tháng 12/2007, tổ chức Tổ chức Tiêu chuẩn thông tin quốc gia Hoa Kỳ (NISO) đã xuất bản tài liệu “Hướng dẫn xây dựng các bộ sưu tập số hiệu quả” (A Framework of Guidance for Building Good Digital Collections), đây là tài liệu hướng dẫn thực hành xây dựng các bộ sưu tập số một cách bài bản mà các thư viện nên áp dụng trong xây dựng dự án số hóa mới hoặc duy trì, phát triển bộ sưu tập số. Theo đó, quá trình xây dựng một bộ sưu tập số được chia thành bốn nhóm tác vụ chính:

 Các bộ sưu tập (tổ chức các nhóm đối tượng).

• Các đối tượng (các tài liệu số).

• Siêu dữ liệu (thông tin về các đối tượng và các bộ sưu tập).

 Các sáng kiến (các chương trình hoặc dự án để tạo lập và quản lý các bộ sưu tập).

Đồng thời NISO cũng đề xuất 9 nguyên tắc nhằm xây dựng các bộ sưu tập số hiệu quả, bao gồm:

Một là: Một bộ sưu tập số được tạo lập tuân thủ quy tắc phát triển bộ sưu tập rõ ràng đã được thống nhất trước khi việc tiến hành xây dựng bộ sưu tập.

Hai là: Bộ sưu tập cần mô tả sao cho người sử dụng có thể nắm bắt được những đặc trưng của bộ sưu tập đó.

Ba là: Một bộ sưu tập có chất lượng cao cần được quản lý tốt trong suốt vòng đời của nó.

Bốn là: Một bộ sưu tập tốt cần được phổ biến một cách rộng rãi và tránh những trở ngại cho người sử dụng tiếp cận.

Năm là: Một bộ sưu tập tốt cần lưu ý đến những quyền sở hữu trí tuệ.

Sáu là: Một bộ sưu tập tốt phải có những cơ chế thu thập dữ liệu để có thể đánh giá việc sử dụng và mức độ hữu dụng.

Bảy là: Một bộ sưu tập tốt phải có tính liên thông: Đảm bảo khả năng chia sẻ siêu dữ liệu (metadata) của chúng với những cơ chế tìm kiếm bên ngoài.

Tám là: Một bộ sưu tập tốt tích hợp vào chu trình công việc của người làm công tác thư viện và người sử dụng.

Chín là: Một bộ sưu tập tốt phải không bị lạc hậu

2.2. Chuẩn hóa chu trình thực hiện xây dựng các bộ sưu tập số

Đối với mỗi dự án số hóa tài liệu, chuẩn hóa quy trình sẽ đảm bảo dự án có kết quả, chất lượng cao nhất, tránh rủi ro.

2.2.1.    Đối với công tác lập kế hoạch

Đối với công tác lập kế hoạch, cần thực hiện theo các bước:

Bước 1: Xác định mục tiêu và phạm vi của dự án, công việc

Bước 2: Xác định rõ đối tượng phục vụ theo từng nhóm cụ thể

Bước 3: Phân tích kho tài liệu để có thông tin cụ thể đối với từng dự án.

Bước 4: Lập tự toán chi tiết kinh phí, đồng thời phân sự tác động, ảnh hưởng của kinh phí khi thực hiện công việc này đến đơn vị.

Bước 5: Rà soát các tiêu chuẩn kỹ hoặc quy trình kỹ thuật đã có, nếu có cần áp dụng để đảm bảo tính thống nhất của dự án này và dự án khác.

Minh họa Quy trình tổng quan xây dựng bộ sưu tập số thư viện (Lê Đức Thắng, 2017)

2.2.2.    Đối với công tác lựa chọn tài liệu số hóa

Để đảm bảo đúng mục tiêu số hóa, công tác lựa chọn tài liệu số hóa là một trong những khâu quan trọng cần được thực hiện bài bản, bám sát mục tiêu của dự án, theo đó, các yêu cầu để lựa chọn tài liệu số hóa một cách hiệu quả là:

Một là: Xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn tài liệu số hóa.

Câu hỏi là làm thế nào để có thể lựa chọn được tài liệu chính xác, cần thiết nhất để số hóa? Trong thực tế việc lựa chọn nội dung tài liệu để số hóa thường được thực hiện một cách chủ quan, trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lãnh đạo bộ phận hoặc trưởng nhóm triển khai, do đó nhiều khi nội dung tài liệu số hóa không phù hợp hoặc chưa thực sự phù hợp cho dự án đang/đã thực hiện.

Để khắc phục tình trạng này cần xác định và xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn tài liệu số hóa, giúp công tác lựa chọn một cách khách quan hơn, đồng thời hỗ trợ lãnh đạo đơn vị, quản lý bộ phận/nhóm thực thi số hóa tài liệu ra quyết định một cách phù hợp. Cách đơn giản nhất là đặt nhiều câu hỏi trước khi thực hiện số hóa, xây dựng các bộ sưu tập số:

- Đối tượng phục vụ hoặc đối tượng người sử dụng sẽ hướng đến?

- Việc số hóa tài liệu có ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị hoặc các bộ phận khác không?

- Tình trạng bản quyền của tài liệu ra sao? Tài liệu còn thời hạn bảo hộ bản quyền không?, nếu còn thì tổ chức/cá nhân nào đang sở hữu để thực hiện các bước tiếp theo trong trường hợp tài liệu không thể thiếu đối với dự án như: giấy phép, tài chính chi trả, thỏa thuận sử dụng

- Tình trạng vật lý của tài liệu như thế nào?, trong thực tế tài liệu thư viện rất đa dạng, phong phú với nhiều tình trạng tài liệu khác nhau, do đó đòi hỏi công tác lựa chọn cần lưu ý đến tình trạng vật lý của tài liệu để có thể xác định khối lượng công việc hoặc quy trình công việc (Ví dụ: phục chế trước khi số hóa), hoặc cả cân nhắc các giải pháp về kỹ thuật số hóa phù hợp (Đối với từng loại tài liệu khác nhau sẽ có phương án số hóa khác nhau với từng thiết bị phù hợp).

Hai là: Ban hành quy định về tiêu chí lựa chọn tài liệu

Xây dựng quy định là một phần của công tác lựa chọn tài liệu để số hóa, xây dựng các bộ sưu tập, do đó cần thiết phải “văn bản hóa” các tiêu chí đang được sử dụng để lựa chọn tài liệu cho việc số hóa. Bởi việc này phục vụ nhiều mục đích. Đầu tiên, trong quá trình thực hiện, triển khai một dự án nào đó, nó cho phép bạn rà soát lại các tài liệu được lựa chọn để đảm bảo rằng việc lựa chọn tài liệu số hóa đã được áp dụng một cách nhất quán phù hợp với các tiêu chí đặt ra.

Mặt khác một văn bản quy định các tiêu chí lựa chọn tài liệu số hóa khi được ban hành có thể đối phó một cách linh hoạt với những thay đổi trong công tác quản lý, nhân sự, ví dụ các chính sách của đơn vị thay đổi thì với những tiêu chí đã được xây dựng, có thể dễ dàng điều chỉnh, bổ sung, thay thế... những tiêu chí bị ảnh hưởng, hoặc trong quá trình thực hiện công việc hoàn toàn có thể điều chỉnh nhân lực thực hiện mà không quá phụ thuộc vào một cá nhân hay một nhóm nào.

Ngoài ra, với văn bản này sẽ giúp nhóm/bộ phận thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn, thống nhất hơn bởi tất cả các thành viên sẽ bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định. Và như vậy văn bản này sẽ là một “tài liệu mẫu” cho các dự án số hóa tiếp theo, sẽ đảm bảo tính thống nhất cho tất cả các dự án số hóa, hoặc xây dựng các bộ sưu tập số.

2.2.3.    Đối với vấn đề bản quyền

Hiện nay dịch vụ số hóa toàn văn tài liệu là một trong số những dịch vụ đang rất phổ biến trong các cơ quan thông tin thư viện ở nước ta. Tuy nhiên, mọi người, kể cả người cung cấp dịch vụ lẫn người sử dụng dịch vụ đều chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh bản quyền trong quá trình triển khai dịch vụ mà đặc trưng của tài liệu ở dạng số là dễ sao chép, dễ phổ biến, dễ lưu giữ.

Đây là vấn đề cần quan tâm và giải quyết, bởi việc số hóa tài liệu với bất cứ mục đích nào cũng ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của của các chủ thể liên quan, đó là thực tế, vì lẽ đó mà ngay sau mỗi trang tên sách, vấn đề bản quyền luôn được khuyến cáo vi phạm, trừ những cuốn sách đã hết thời gian bảo hộ bản quyền hoặc những tài liệu không xác định được bản quyền tác giả.

Vấn đề bản quyền trong việc số hóa tài liệu, cũng như bản quyền trong môi trường kỹ thuật số nói chung rất phức tạp. Để hiểu rõ và thực hiện đúng vấn đề bản quyền, cần làm rõ các vấn đề sau:

• Đối tượng bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan

• Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan

• Xin cấp phép sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan

• Giới hạn và ngoại lệ

Để giải quyết các vấn đề pháp lý khác phát sinh khi số hóa tài liệu hoặc phổ biến tài liệu đã số hóa, các thư viện cần thành lập một ban nghiên cứu về bản quyền tài liệu, ngoài công tác nghiên cứu, nắm bắt các quy định cụ thể về bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, ban này còn tư vấn cho lãnh đạo, hoặc là đầu mối giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong công tác xây dựng các bộ sưu tập số.

2.2.4.    Đối với công tác số hóa tài liệu

Có thể nói, số hóa tài liệu là một khâu đơn giản nhất nhưng thú vị nhất của một dự án số hóa tài liệu. Thú vị ở đây là người thực hiện số hóa có thể được tiếp xúc trực tiếp với những loại tài liệu quý hiếm và có thể nhìn thấy “cuộc sống” của tài liệu đó trên màn hình máy tính sau khi đã số hóa. Đơn giản ở đây có thể hiểu là nếu bạn muốn quét (scan) hoặc một trang tài liệu ở mức độ căn bản thì khá dễ dàng, tuy nhiên nếu dự án yêu cầu số hóa tài liệu với hình ảnh chất lượng cao thì vấn đề lại trở nên khá phức tạp.

Số hóa tài liệu cũng là công việc lặp đi lặp lại dễ gây nhàm chán, có thể gây ra những sai lầm nghiêm trọng, và việc khắc phục sẽ gây tốn kém hoặc mất nhiều thời gian do đó chất lượng hình ảnh số hóa cần phải được quy định ngay từ đầu.

Minh họa số hóa tài liệu (Nguồn Internet)

Để hạn chế sai lầm trong công tác số hóa tài liệu, cần thiết phải áp dụng triết lý “Số hóa một lần cho tất cả” thống nhất tất cả các dự án hoặc các công việc nhỏ, lẻ khác trong kế hoạch hoặc không trong kế hoạch đều phải đảm bảo hai mục đích chính “Số hóa để bảo quản lâu dài” và “Số hóa để phục vụ”, khi đó hình ảnh được số hóa phải được thực hiện ở chất lượng cao nhất có thể (mặc dù biết rằng chất lượng của sản phẩm còn phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng, trang thiết bị số hóa…), bởi chất lượng số hóa càng cao, đồng nghĩa với việc tuổi thọ càng dài và sản phẩm có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy cách tốt nhất là chỉ đơn giản là "Số hóa một lần" để tạo ra tệp chủ (master file) và tạo những tệp phái sinh (copy file) từ những hình ảnh gốc cho những mục đích khác tùy theo từng công việc cụ thể.

2.2.5.    Đối với siêu dữ liệu mô tả

a. Sử dụng chuẩn Dublin Core để mô tả tài liệu dạng sách

Dublin Core là tiêu chuẩn quốc tế về siêu dữ liệu (ISO 15836:2017) và là Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7980:2024 (ISO 15836:2017) Thông tin và Tư liệu – Bộ phần tử siêu dữ liệu Dublin Core).

Bộ yếu tố siêu dữ liệu Dublin Core bao gồm 15 yếu tố cốt lõi được sử dụng để mô tả nhiều kiểu tài nguyên số. Ngữ nghĩa của các yếu tố này đã được thiết lập thông qua sự đồng thuận của nhóm chuyên gia quốc tế, liên ngành từ thư viện, bảo tàng, nhà xuất bản, khoa học máy tính và cộng đồng mã hóa văn bản, cũng như từ các lĩnh vực học thuật liên quan khác. Bao gồm :

Nhan đề (Title)

Người tạo lập (Creator)

Chủ đề (Subject)

Mô tả (Description)

Nhà xuất bản (Publisher)

Người cộng tác (Contributor)

Ngày tháng (Date)

Kiểu (Type)

Định dạng (Format)

Định danh (Identifier)

Nguồn (Source)

Ngôn ngữ (Language)

Quan hệ (Relation)

Phạm vi bao quát (Coverage)

Quyền (Rights)

b. Sử dụng tiêu chuẩn METS/ALTO để mô tả đối với tài liệu số hóa dạng báo, tạp chí, , sách, tài liệu có nhiều chương, phần…

* METS (Tiêu chuẩn truyền và Mã hóa siêu dữ liệu - Metadata Encoding and Transmission Standard). METS bao gồm 5 phần chính:

1. Siêu dữ liệu mô tảphần siêu dữ liệu mô tả có thể chỉ ra siêu dữ liệu mô tả bên ngoài, hoặc bao gồm siêu dữ liệu mô tả mã hóa bên trong hoặc cả hai.

2. Siêu dữ liệu quản trịphần siêu dữ liệu quản trị cung cấp thông tin về tạo dựng và lưu giữ các tệp như thế nào, quyền sở hữu trí tuệ, siêu dữ liệu về nguồn gốc của đối tượng thư viện số và thông tin về các tệp gốc cấu tạo nên đối tượng thư viện số (Ví dụ: Mối quan hệ giữa tệp gốc và tệp phái sinh, thông tin về chuyển đổi và thay thế). Giống siêu dữ liệu mô tả, siêu dữ liệu quản trị có thể chỉ ra cả siêu dữ liệu quản trị bên ngoài lẫn siêu dữ liệu mã hóa bên trong.

3Nhóm tệpphần nhóm tệp liệt kê tất cả các tệp cấu tạo nên các phiên bản điện tử của đối tượng số. Các phần tử của nhóm tệp giúp tham chiếu đến các tệp cấu tạo của phiên bản số.

4. Sơ đồ cấu trúc: Sơ đồ cấu trúc là trung tâm chính của một tệp METS. Phần này mô tả cấu trúc thứ bậc của đối tượng thư viện số, tạo liên kết giữa các phần tử của cấu trúc đó với các tệp nội dung và siêu dữ liệu liên quan.

5. Cơ chế vận hành: Bộ phận vận hành được sử dụng để liên kết các hoạt động quản lý với phần nội dung của một đối tượng được mô tả theo tiêu chuẩn METS. Phần này có 1 bộ phận xác định giao diện có thể mô tả cụ thể, chính xác các quy trình hoạt động. Ngoài ra nó còn có một cơ chế vận hành, đó là một bộ phận gồm các mã vận hành có nhiệm vụ duy trì và thực hiện các hoạt động mà bộ phận xác định giao diện đã lập ra.

METS được sử dụng vào những mục đích chính sau:

- Tạo tài liệu XML chứa đựng cấu trúc hình cây của những đối tượng tài liệu số.

- Ghi lại tên và nơi lưu giữ các tập tin tạo thành những đối tượng tài liệu số đó.

- Ghi lại những metadata liên quan để có thể sử dụng như một công cụ mô hình hóa những đối tượng trong thế giới vật lý, như những loại tài liệu cụ thể.

Tiêu chuẩn METS cung cấp một cơ chế linh hoạt để mã hóa siêu dữ liệu mô tả, quản trị và cấu trúc cho một đối tượng số trong thư viện, và để thể hiện các mối quan hệ phức tạp giữa các hình thức khác nhau của siêu dữ liệu. Bởi vậy nó có thể cung cấp 1 tiêu chuẩn thống nhất cho việc trao đổi các đối tượng số giữa các kho trong thư viện.

Những thư viện học thuật và nghiên cứu hàng đầu hiện nay đang trích dẫn METS như là một tiêu chuẩn quan trọng để vận hành gắn kết lẫn nhau trong một thư viện số, và ngày nay nó đang được cộng đồng thư viện số trên thế giới sử dụng rộng rãi.

* ALTO (Analyzed Layout and Text Object)

Trong khi tiêu chuẩn METS được sử dụng để mô tả cấu trúc của một tài liệu số thì ALTO được sử dụng để cất giữ thông tin dàn trang và các ký tự được nhận máy tính nhận dạng (OCR) trong các trang của những tài liệu in như sách, báo và tạp chí. Nó được thiết kế để được sử dụng như một lược đồ mở rộng cho lược đồ METS. Trong đó METS cung cấp các thông tin cấu trúc còn ALTO chứa đựng nội dung và các thông tin vật lý của tài liệu.

Chuẩn ALTO đã mang đến rất nhiều lợi ích cho việc lưu giữ các tài liệu số như:

- Việc tìm kiếm toàn văn trở nên chính xác hơn khi việc tìm kiếm chỉ được thực hiện trong phần nội dung cuốn sách mà không bị “nhiễu” vì những thông tin như: trang bìa tài liệu, các tiêu đề cột, chú thích v.v…

- Việc tìm kiếm theo cấu trúc có thể được thực hiện như tìm kiếm trong các chương hoặc đối với tạp chí là trong những loạt bài viết.

- Việc định hướng trong cuốn sách trở nên dễ dàng hơn.

- Các hình minh họa, các công thức, bảng biểu và thậm chí cả các quảng cáo cũng trở thành những thành phần riêng và có thể được truy cập riêng rẽ với phần nội dung còn lại.

2.2.6.    Lưu giữ và Bảo quản số

Bảo quản tài liệu số được hiểu là hình thức lưu trữ tài liệu số hay các tài liệu đã được số hóa nhằm đảm bảo kéo dài tuổi thọ và duy trì khả năng truy cập liên tục của tài liệu.

Về tổng quan, bảo quản tài liệu số được coi là sự kết hợp giữa chính sách, chiến lược và hành động nhằm đảm bảo nội dung tài liệu số được bảo quản lâu dài, bất kể những thay đổi về công nghệ và tuổi thọ của các phương tiện lưu trữ.

Bảo quản tài liệu số có thể áp dụng cho cả tài liệu số sinh ra (born digital) và tài liệu số hóa (reformatted digital content) nhằm có thể duy trì khả năng truy cập vào nội dung số trong tương lai.

Cần xác định kế hoạch cho bảo quản số:

• Bảo quản lâu dài: Mục tiêu là tiếp tục duy trì truy cập vào tài liệu số, hoặc ít nhất là với thông tin chứa trong chúng một cách vô thời hạn.

• Bảo quản trung hạn: Mục tiêu là tiếp tục tiếp cận với các tài liệu số vượt qua sự thay đổi về công nghệ trong một khoảng thời gian xác định nhưng không vô thời hạn.

• Bảo quản ngắn hạn: Mục tiêu là duy trì các tài liệu số trong một thời gian nhất định nhưng không vượt quá tương lai gần hoặc cho đến khi nó trở nên không thể tiếp cận do thay đổi công nghệ.

Các hình thức lưu giữ bảo quản số

  • Lưu giữ dữ liệu tại chỗ (On-Site Storage)

Đây là hình thức lưu giữ tại chính cơ quan, đơn vị. Thông thường, trong công tác hằng ngày, dữ liệu được lưu trên các thiết bị dễ dàng truy cập đến để sẵn sàng xử lý, truy cập. Tuy nhiên song song với nó dữ liệu cần được lưu giữ ở những vị trí khác, có điều kiện đảm bảo an toàn tốt hơn.

Hình thức lưu giữ này thư viện cần phải có các thiết bị chuyên dụng để lưu giữ, bảo bảo vệ dữ liệu như: Tủ chống cháy, chống nước; hoặc két sắt chuyên dụng phòng chống cháy, nổ…

  • Lưu giữ dữ liệu bên ngoài (Off-Site Storage)

Công tác bảo vệ dữ liệu sẽ không thực sự an toàn nếu không đảm bảo nguyên tắc lưu trữ dữ liệu bên ngoài – về nguyên tắc nó là hình thức lưu trữ cách xa dữ liệu gốc. Thực tế không thể biết trước sự cố gì sẽ xảy ra trong tương lai. Một số rủi ro như hỏng ổ đĩa cứng, xóa nhầm hay virus phá hoại thì dữ liệu vẫn có thể khôi phục lại bằng hình thức sao lưu tại chỗ (On-Site Storage). Nhưng nếu xảy ra thảm họa, khủng hoảng như cháy nổ, thiên tai, chiến tranh, trộm cắp, kẻ xấu phá hoại, bạn chắc chắn sự việc sẽ nghiêm trọng.

Hiện nay, một số giải pháp lưu trữ bên ngoài phổ biến là:

* Trung tâm dữ liệu (Datacenter): Đây là hình thức quản lý dữ liệu tập trung tại một hệ thống lớn làm chức năng lưu trữ, xử lý toàn bộ dữ liệu hệ thống với khả năng sẵn sàng và độ ổn định cao. Các hệ thống hạ tầng của trung tâm dữ liệu đều được dự phòng để đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ bao gồm: Hệ thống mạng, hệ thống nguồn, hệ thống làm mát, hệ thống báo cháy, báo khói, hệ thống quản lý vào ra.

* Lưu trữ đám mây (Cloud Storage): Lưu trữ đám mây là dịch vụ lưu giữ dữ liệu dựa trên công nghệ Cloud computing (điện toán đám mây), Lưu trữ đám mây lưu giữ tài liệu trên Internet mà khi cần thiết có thể truy cập, sử dụng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu bằng các thiết bị có kết nối mạng như máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại… Một số giải pháp quy mô nhỏ cho cá nhân thông dụng hiện nay như: Google Drive (Google), Drive (Microsoft), Box, Mediafire, Dropbox… tuy nhiên người sử dụng là đơn vị, doanh nghiệp, nên sử dụng cái gói dịch vụ có độ lớn phù hợp

* Khôi phục dữ liệu sau thảm họa (Disaster Recovery) là giải pháp cho phép khôi phục và tiếp tục sử dụng các cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng và hệ thống dữ liệu, sau thảm họa thiên nhiên hoặc con người gây ra. Giải pháp này giúp giải quyết vấn đề gián đoạn hoạt động khi thảm họa diễn ra, bảo đảm tính an toàn của dữ liệu, giảm thiểu tổn thất và đồng thời, cho phép đơn vị duy trì hoạt động liên tục không bị ngắt quãng.

2.2.7.    Phổ biến bộ sưu tập số

Đẩy mạnh công tác phổ biến rộng rãi các bộ sưu tập số đã có, cần thực hiện:

- Xác định chính xác được nhóm người sử dụng đối với mỗi bộ sưu tập.

- Lưu ý đến những đối tượng người sử dụng yếu thế trong xã hội: người khuyết tật, khu vực kinh tế khó khăn, kém phát triển

- Thiết kế website và các công cụ tìm kiếm, truy cập, hiển thị một cách khoa học, đảm bảo dễ dàng sử dụng.

- Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các bộ sưu tập

- Đẩy mạnh các dịch vụ, nhất là dịch vụ cung cấp tài liệu từ xa (có thu phí hoặc miễn phí), thông qua các tài khoản người dùng và chính sách truy cập.

2.2.8.    Đánh giá hiệu quả các bộ sưu tập số

Đánh giá là quá trình đánh giá một cách có hệ thống và khách quan một dự án, chương trình hoặc một chính sách đang được thực hiện hoặc đã hoàn thành từ giai đoạn thiết kế đến triển khai và các kết quả đạt được. Mục đích của việc đánh giá là để xác định tính phù hợp và mức độ hoàn thành các mục tiêu, tính hiệu quả, tác động và tính bền vững.

Đồng thời đánh giá là công cụ quản lý quan trọng để lãnh đạo đơn vị có thể theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ quá trình ra quyết định.

Các khía cạnh có thể được đánh giá đối với một các bộ sưu tập số:

• Sự phù hợp: Các mục tiêu và mục đích xây dựng các bộ sưu tập số có phù hợp với yêu cầu không?

• Hiệu suất: Công tác tạo lập các bộ sưu tập số có được triển khai một cách kịp thời và tiết kiệm chi phí không?

• Hiệu quả: Đánh giá được mức độ đạt được các mục tiêu ở mức độ nào? Những yếu tố thuận lợi và khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai xây dựng các bộ sưu tập số là gì?

• Tác động: Bộ sưu tập số mang lại những kết quả gì? Kết quả đó có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực như thế nào đối với người sử dụng.

• Tính bền vững: Bộ sưu tập số có thể tồn tại lâu dài không?

Xây dựng và phát triển một các bộ sưu tập số được thực hiện qua rất nhiều công đoạn, có thể rất tốn kém và mất nhiều thời gian, do đó công tác đánh giá hiệu quả các bộ sưu tập số có vai trò hết sức quan trọng, cần thiết đối với mỗi dự án, mỗi công việc không chỉ sau khi hoàn thành dự án mà ngay trong chính quá trình thực hiện.

2.2.9.    Quản lý

Công tác quản lý, điều hành các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng và phát triển các bộ sưu tập số cần phải linh hoạt, ứng xử nhanh chóng đối với các tác động bên trong hoặc bên ngoài đơn vị, đồng thời cần áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào chỉ đạo, quản lý, điều hành giúp triển khai công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Để có một dự án, một chương trình tạo lập các bộ sưu tập số có chất lượng, hiệu quả cao phụ thuộc vào sự đánh giá chính xác về nguồn nhân lực cần thiết, bởi mỗi cá nhân, mỗi bộ phận có thế mạnh, kỹ năng khác nhau.

Xây dựng một bộ sưu tập số hiệu quả, nhất là các dự án số hóa lớn là việc không hề dễ dàng,cần một tầm nhìn chiến lược, dựa trên xu hướng phát triển của công nghệ và các yêu cầu cấp thiết cần phải số hóa tài liệu, tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, nguyên tắc và vận dụng một cách thống nhấtbài bản, tất cả những điều đó cần được cân nhắc kỹ, tổ chức một cách thận trọng, nghiêm túc và ngay từ đầu sẽ làm cho dự án số hóa tài liệu thành công cao nhất.

III. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu số

3.1. Tầm quan trọng của an toàn, an ninh dữ liệu số đối với thư viện số

Hoạt động thư viện số với cốt lõi là dữ liệu số, cùng với những lợi thế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp tổ chức quản lý, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động thư viện, tuy nhiên ngoài ưu điểm, mức độ ứng dụng công nghệ càng cao đồng nghĩa với việc ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh, đây được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với thư viện số và dữ liệu số. Do đó, công tác an toàn, an ninh dữ liệu số cần được đặc biệt quan tâm nhằm mục đích:

* Đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống công nghệ thông tin và hoạt động thư viện số một cách thông suốt và ổn định.

* Thư viện số với tài nguyên số quan trọng và rất dễ bị tấn công, đánh cắp, đó đó cần đảm bảo sự an toàn cho các bộ sưu tập số và các cơ sở dữ liệu.

* Phòng, tránh giảm thiểu các rủi ro mất mát dữ liệu hoặc đình trệ hoạt động.

* Củng cố năng lực hoạt động nói chung của đơn vị cũng như năng lực hoạt động của thư viện số, nâng cao vai trò, uy tín, và sự tin cậy của lãnh đạo đơn vị và người sử dụng.

3.2. Các nguy cơ mất an toàn, an ninh dữ liệu số

Như đã trình bày ở trên, thư viện số hoạt động chủ yếu trên môi trường số, do đó phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh dữ liệu (cơ sở dữ liệu, tài liệu số….), đặt ra sự cấp thiết cần có sự quan tâm, có chính sách và chiến lược đối phó với các vấn đề này trong hoạt động của các thư viện.

3.2.1.    Nhận diện rủi ro

Các rủi ro hiện hữu được nhận diện bao gồm:

Mất dữ liệu: Không thể tìm thấy dữ liệu hoặc thất thoát dữ liệu số ra ngoài phạm vi quản lý của thư viện.

Hỏng dữ liệu: Dữ liệu bị hỏng không thể khôi phục toàn vẹn.

Sai lệch dữ liệu: Dữ liệu bị thay đổi không đảm bảo tính toàn vẹn nguyên gốc.

Mất quyền quản lý: Hệ thống bị xâm nhập, chiếm quyền quản lý, hoặc dữ liệu bị mã hóa.

Dữ liệu bị phát tán: Dữ liệu bị phát tán ra ngoài mà không thể kiểm soát, do bị đánh cắp hoặc do chính người sử dụng.

3.2.2.    Xác định nguyên nhân

Những nguyên nhân của các rủi ro trên có thể được xác định với 2 nhóm nguyên nhân chính, bao gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan:

a. Nguyên nhân chủ quan

- Chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về an toàn, an ninh dữ liệu.

- Ý thức, trách nhiệm của người dùng, đặc biệt là người làm trực tiếp hoặc có liên quan.

- Không có chính sách xử lý rủi ro, khủng hoảng, hoặc chính sách chưa đủ mạnh.

- Chính sách truy cập dữ liệu và chuyển giao dữ liệu cho người sử dụng không hợp lý.

- Chính sách sử dụng Internet cho cán bộ và bạn đọc chưa chặt chẽ.

- Hệ thống được thiết kế không bảo mật hoặc bảo mật yếu.

- Dữ liệu không được sao lưu định kỳ, khoa học.

- Không áp dụng các tiêu chuẩn.

- Không cập nhật phần mềm (hệ thống & ứng dụng).

- Mất cảnh giác.

- Sử dụng sai phần mềm xử lý, sai cách thức mã hóa

- Mất mật khẩu mã hóa dữ liệu.

b. Nguyên nhân khách quan

- Không có phần mềm bảo mật, phần mềm chuyên dụng như: Antivirus (Phần mềm diệt virus); Firewall (Tường lửa); Phần mềm mã hóa; Phần mềm quản lý mật khẩu; Phần mềm chống phần mềm gián điệp (Anti-Spyware); Phần mềm chống thư rác (Anti-Spam); Phần mềm VPN (Virtual Private Network); Phần mềm hạn chế truy cập mạng; Phần mềm sao lưu (Backup); Phần mềm quản lý danh tính…

- Phần mềm quản lý thư viện số mắc lỗi bảo mật.

Mất máy tính, mất thiết bị lưu trữ dữ liệu, mất tài khoản đăng nhập hệ thống lưu trữ.

- Hỏng phần cứng, phần mềm.

- Thất thoát thiết bị lưu trữ.

- Do virus tấn công, mã hóa, xóa dữ liệu.

- Bị hacker xâm nhập, bị tấn công, phá hoại.

- Các nguy cơ khác: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, cháy, nổ, phá hoại của con người…

3.3. c giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu số

3.3.1.    Xây dựng, ban hành các chính sách về thư viện số

Thư viện cần điều chỉnh hoặc xây dựng mới quy định nội bộ về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và thư viện số nói riêng.

a. Chính sách đầu tư: Cần quan tâm đầu tư trang bị thiết bị về an toàn, an ninh thông tin; xem đầu tư hạng mục an toàn, an ninh thông tin là khoản đầu tư thiết yếu; có kế hoạch mua sắm, trang bị phần mềm diệt virus có bản quyền; các thiết bị chuyên dụng cho an toàn và bảo mật thông tin; thực hiện bảo trì bảo dưỡng định kỳ các thiết bị an toàn, bảo mật thông tin.

b. Chính sách tiếp cận dữ liệu số: Quy định về ý thức và trách nhiệm bảo vệ an toàn, an ninh của cán bộ, viên chức trực tiếp tiếp cận với dữ liệu số.

c. Chính sách truy cập: Quy định về mức độ truy cập đến các dữ liệu số, bao gồm cả người làm thư viện và người sử dụng. Cần phân quyền truy cập theo nhóm, theo chức năng, vai trò….

+ Cán bộ thư viện: tùy theo chức năng, nhiệm vụ cán bộ thư viện được quy định mức độ truy cập đến các dữ liệu số, có cần xác thực bằng tài khoản, mã khóa hay không?…. đặc biệt trong mỗi khâu công tác ít nhất phải có từ 02 người trở lên nắm được công việc, tránh tình trạng phụ thuộc vào một người duy nhất.

+ Bạn đọc: Quy định mức độ tiếp cận cụ thể theo nhóm: ai/được truy cập vào đâu/chỉ đọc trực tiếp hay được download, truy cập trực tiếp hay qua tài khoản….

d. Chính sách về bảo quản dữ liệu số: Xây dựng các chính sách bảo quản dữ liệu số theo các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế về công tác bảo quản số. Hiện nay bảo quản số đang là chủ đề đang rất được quan tâm trên thế giới. Do vậy cần có các chính sách bảo quản phù hợp nhằm lưu giữ lâu dài tài liệu số.

e. Chính sách về thực hiện báo cáo định kỳ: Báo cáo tình hình hoạt động thư viện số nói riêng và hệ thống thông tin nói riêng nhằm báo cáo lại với lãnh đạo cấp trên về kết quả công tác cũng như những vấn đề phát sinh cần khắc phục kịp thời trong khoảng thời gian vận hành các hệ thống, mặt khác khi thực hiện báo cáo, người chịu trách nhiệm cần phải theo dõi, kiểm tra, đối chiếu để nhận biết những vấn đề bất thường của hệ thống, từ đó có phương hướng khắc phục phù hợp, do vậy công tác báo cáo cần được thực hiện một cách nghiêm túc, định kỳ.

3.3.2.    Triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh thư viện số

a. Bảo vệ nội dung dữ liệu số (mức file)

Các giải pháp cụ thể để triển khai việc bảo vệ dữ liệu số là: Mã hóa; Mật khẩu; Đóng dấu Watermark; Chữ ký số;Vân tay số; Hệ thống phát hiện sao chép…

b. Kiểm soát việc truy cập của người sử dụng (mức chính sách)

Kiểm soát việc truy cập của người sử dụng (bao gồm cả cán bộ thư viện và bạn đọc), theo đó cần phân quyền phù hợp với từng vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, đồng thời áp dụng các biện pháp giám sát người dùng, giám sát hệ thống để có thể phát hiện những bất thường trong hệ thống, đồng thời lên phương án giải quyết kịp thời. Các giải pháp cụ thể là:

+ Xây dựng các quyền/ nhóm quyền phù hợp.

+ Yêu cầu đăng nhập sử dụng hệ thống bằng tài khoản hợp lệ đối với khu vực không phải là truy cập công cộng.

+ Thống kê, phân tích báo cáo, nhật ký hoạt động của hệ thống.

c. Tăng cường bảo mật hệ thống

+ Tường lửa;

+ Kiểm soát việc truy cập dữ liệu từ bên trong và bên ngoài hệ thống bằng nhiều lớp kiểm soát, xác thực, qua nhiều lớp (lớp ứng dụng và lớp hệ thống).

+ Phần mềm diệt virus.

+ Cập nhật, vá lỗi.

d. Sao lưu dự phòng

Cần thiết lập chính sách sao lưu dự phòng dữ liệu số định kỳ hoặc bất kỳ. Đây là biện pháp tối ưu để bảo bảo đảm an toàn cho hệ thống, phục hồi dữ liệu khi cần thiết. Tốt nhất việc sao lưu dự phòng được thực hiện một cách tự động với số lượng ít nhất 03 bản, được lưu giữ ở 3 nơi khác nhau, với 03 thiết bị lưu trữ khác nhau (Có thể trên máy chủ dữ liệu và ổ cứng di động, hoặc thông qua các trung tâm dữ liệu (datacenter) của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ)…).

e. Nhật ký, lịch sử truy cập

Thiết lập các chế độ ghi nhật ký, lịch sử truy cập sẽ giúp thư viện theo dõi được các diễn biến trong quá trình vận hành của phần mềm hoặc thiết bị phần cứng. Thông qua các thông tin được ghi nhận, sẽ nắm được tình hình vừa tổng quát, vừa cụ thể các hoạt động, tuy nhiên để có các thông tin này cần kích hoạt các chức năng, tiện ích sẵn có hoặc yêu cầu bổ sung nếu chưa có.

3.3.3.    Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến

Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh dữ liệu tại các thư viện, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý về những rủi ro và hậu quả khi phát sinh khủng hoảng. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, nên phổ biến với nội dung trực quan tại những nơi đông người qua lại như: phòng làm việc, phòng phục vụ….

3.3.4.    Đào tạo, tập huấn

Ngày nay, nguy cơ về an toàn, an ninh thông tin diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, do vậy người làm thư viện nói chung và bộ phận chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin nói riêng cần liên tục được phổ biến, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn, an ninh thông tin. Công tác này phải được tiến hành định kỳ.

3.3.5.    Phối hợp hành động

Cần đẩy mạnh phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin nói chung và thư viện số nói riêng, phối hợp chặt chẽ với bộ phận chịu trách nhiệm về công nghệ thông tin và an toàn thông tin tại đơn vị, khi gặp sự cố hoặc nghi ngờ các vấn đề bất thường, cần phối hợp ngay với các đơn vị chuyên trách, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin hoặc các đối tác có kinh nghiệm để phối hợp xử lý, khắc phục sự cố.

IV. Kết luận

Để thực hiện số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số phục vụ chuyển đổi số cần được thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình, đúng yêu cầu kỹ thuật. Những yêu cầu cơ bản này không chỉ thực hiện trong công tác xây dựng thư viện số mà còn có thể áp dụng cho tất cả các cơ quan, đơn vị có tổ chức số hóa (tư liệu, vật thể, tranh, ảnh, phim, âm thanh, bản nhạc…). Tuân thủ đúng yêu cầu sẽ giúp các dự án số hóa được hiệu quả, bền vững, đặc biệt sẽ giúp cho việc dùng chung, liên thông dữ liệu được thuận lợi, chính xác hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Minh Kiểm (2007). Về các chuẩn áp dụng trong số hóa tài liệu phục vụ xây dựng thư viện điện tử và trao đổi dữ liệu. Kỷ yếu Hội thảo khoa học chuyên đề: Quản trị và chia sẻ nguồn tin số hóa.

2. Chowdhury, G. G. (2003), Introduction to Digital Libraries, Facet Publishing, 384 pages.

3. Digital Preservation Coalition (2008), Preservation Management of Digital Materials: The Handbook

4. Ian H. Witten, David Bainbridge, David M. Nichols (2009), How to Build a Digital Library, Morgan Kaufmann Publishers, 656 pages.

5. Katherine M. Wisser (2007), Guidelines for Digitization, North Carolina ECHO (Exploring Cultural Heritage Online), USA

6. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2018). “Các thư viện Việt Nam chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Hội nghị lần thứ XVI Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin Khoa học và Công nghệ, Đà Nẵng, 2018., tr. 15-23.

7. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2018). Những thách thức về quản lý và phát triển Thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Hội thảo Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội, 2018, tr. 67-80.

8. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2018). Tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý hoạt động thư viện đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo: Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới, tr. 166-176. Hà Nội.

9. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2018). Trí tuệ nhân tạo và tiềm năng ứng dụng trong hoạt động thư viện. Thư viện thông minh 4.0: Công nghệ - dữ liệu – con người. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 353-363.

10. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2019). Đẩy mạnh ứng dụng Tiêu chuẩn quốc gia phục vụ hoạt động thư viện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Hà Nội), tr. 83-93.

11. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2019). Thư viện Quốc gia Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực thư viện. Hà Nội, tr. 127-136.

12. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2022). Phát triển Thư viện số thực hiện chuyển đổi số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

13. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng (2022). Xu hướng, thách thức mới và định hướng phát triển Thư viện thông minh ở Việt Nam. Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển thư viện số thông minh – kinh nghiệm nước ngoài và giải pháp cho Việt Nam, tr. 3-16. Tp. Hồ Chí Minh, 2022.

14. L. Candela (2008): The DELOS Digital Library Reference Model - Foundations for Digital Libraries. Version 0.98

15. Lê Đức Thắng (2020). Thực trạng ứng dụng khoa học và công nghệ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo phục vụ đề án Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hà Nội, tr. 22-40.

16. Lê Đức Thắng (2022). Chuyển đổi số và liên thông thư viện Việt Nam - Những thách thức cần giải quyết. Hội thảo khoa học Chuyển đổi số và liên thông thư viện, tr. 14-22. Hà Nội.

17. Lê Đức Thắng (2022). Khai thác tiềm lực thông tin của thư viện với mô hình Mượn kỹ thuật số có kiểm soát. Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của các thư viện Việt Nam (2017-2022), Bình Định (2022), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tr. 292-298.

18. Lê Đức Thắng (2022). Phát triển thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam: Hiện trạng và Giải pháp. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam: Nhiệm vụ và giải pháp, tr. 206-230.

19. Lê Đức Thắng (2023). Một số giải pháp tăng cường thực thi bản quyền tác giả - bối cảnh chuyển đổi số thư viện. Kỷ yếu hội thảo Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện, Hà Nội (7/2023), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang 25-52.

20. Lê Đức Thắng (2023). Nhân lực số và chuyển đổi số ngành thư viện. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp (2023), tt. 198-206. Hà Nội.

21. Lê Đức Thắng (2024). Chiến lược và hành động bảo quản tài nguyên thông tin số trong hoạt động thư viện. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quản trị tài nguyên thông tin số tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, 2024 (trang 100-121). Hà Nội: Đại học Văn hóa Hà Nội.

22. M. Jordan (2006), A Practical Guide for Libraries, Chandos

23. National Information Standards Organization – NISO (2007), A Framework of Guidance for Building Good Digital Collections (A NISO Recommended Practice), NISO, USA.

24. National Research Foundation (2010), Managing Digital Collections: A Collaborative Initiative on the South African Framework, National Research Foundation, South Africa.

25. Susan Schreibman (2007), Best Practice Guidelines for Digital Collections at University of Maryland Libraries, Office of Digital Collections and Research University of Maryland, College Park.

26. Tạ Bá Hưng (2000), Phát triển nội dung số ở Việt Nam: Những nguyên tắc chỉ đạo, Thông tin và Tư liệu, (1), tr. 2 – 6.

27. Wayne Wilson (2003), Building and Managing a Digital Collection in a Small Library, North Carolina Libraries, USA.

Thư mục trích dẫn:

Lê Đức Thắng (2024). Một số yêu cầu cơ bản khi triển khai số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình (10-2024), tr. 137-154. Hà Nội.

Nguồn: https://nlv.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-yeu-cau-co-ban-khi-trien-khai-so-hoa-tai-lieu-xay-dung-cac-bo-suu-tap-so.html