Ngày đăng bài: 21/05/2020 16:49
Lượt xem: 1933
Ngành Nuôi trồng thủy sản cần nhu cầu nhân lực rất lớn
Nuôi trồng thủy sản hiện nay chiếm một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tạo ra nguồn thu nhập lớn cũng như mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung hầu hết các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2019 đạt 8,15 triệu tấn (tăng 4,9% so với năm 2018) và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD. Định hướng năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,2 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 10 tỷ USD. Mặc dù ngành thủy sản đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước nhưng chất lượng nguồn nhân lực trong ngành thủy sản vẫn còn thiếu và yếu. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng có trình độ kỹ thuật cao phù hợp với thực tiễn đang phát triển của ngành thủy sản.

Trong những năm gần đây, Trường Đại học Tiền Giang đã và đang đầu tư mạnh mẽ các trang thiết bị và nâng cao chất lượng giảng dạy để sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản sau khi ra trường hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Chương trình đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản của Khoa Nông nghiệp – Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Tiền Giang theo hướng ứng dụng, tăng thực hành – thực tập và kỹ năng nghề nghiệp luôn được Nhà trường quan tâm. Mặc dù chương trình đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản đã rút ngắn xuống còn 3,5 năm, tuy nhiên sinh viên không chỉ tích lũy nhiều kiến thức chuyên môn sâu mà các bạn có rất nhiều trải nghiệm thực tế để am hiểu các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản. Thông qua các thời gian thực tập và kiến tập thực tế ở các công ty, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các bạn luôn học được rất nhiều điều bổ ích về kiến thức chuyên môn, các kỹ năng sống cũng như kỹ năng nghề nghiệp.

Sinh viên lớp ĐH NTTS 14 tham quan Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Nam Bộ ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sinh viên lớp ĐH NTTS 17 tham quan nhà máy sản xuất thuốc thú y – thủy sản tại Công ty Cổ phần UV Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên trẻ có học vị cao, nhiệt quyết và tận tậm trong giảng dạy sẽ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh viên trao dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Bên cạnh việc học tập, sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản có thể thỏa mãn niềm đam mê và sáng tạo qua các đề tài nghiên cứu khoa học, từ đó các bạn nắm vững kiến thức và ứng dụng rộng rãi vào thực tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản

Trường Đại học Tiền Giang thường xuyên liên kết rất nhiều với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (Công ty TNHH Vibo, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền, Công ty cổ phần UV, Công ty TNHH Tongwei, Công ty TNHH Tâm Việt, Công ty cổ phần Gò Đàng,...) để tổ chức hướng nghiệp và tuyển dụng các sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp sinh viên có thể tham gia thực tập hay nghiên cứu khoa học tại các công ty, qua đó công ty sẽ tuyển dụng nếu các bạn sinh viên đáp ứng được các kiến thức về lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tế.

Công ty TNHH Vibo tư vấn tuyển dụng sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản tại trường Đại học Tiền Giang

Qua các khóa đào tạo đại học ngành nuôi trồng thủy sản từ năm 2012 đến nay, hàng năm Trường Đại học Tiền Giang đã cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp 30 – 50 sinh viên. Hầu hết các sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản ra trường đều có việc làm ngay, đúng ngành nghề đã học, thu nhập cao (mức thu nhập trung bình khoảng 10 – 15 triệu đồng/tháng) và công việc rất ổn định.


Sinh viên tham quan một số loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng
như “nàng tiên cá” (trái) và đồi mồi (phải) tại Viện Hải Dương Học - Nha Trang

Cá mao tiên (trái) và tôm bác sĩ (phải) được sinh viên ghi nhận
trong chuyến khám phá đại dương tại Hồ cá cảnh Trí Nguyên - Nha Trang

Mô hình nuôi và sản xuất giống ếch tại Đồng Tháp qua ghi nhận của sinh viên


Sinh viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá bốp lồng bè (hình trên) tại đảo Hòn Nghệ - Kiên Giang và sản phẩm phụ (cá bốp - hình dưới) của một chuyến đi kiến tập trên đảo

Sinh viên tham gia thực tập cho cá ăn (trái) và chẩn đoán bệnh (phải) trên cá tra
nuôi tại Công ty CP TS Trường Giang, An Giang

 


Nghêu thu được sau 1 giờ “thực tập bắt nghêu” của sinh viên lớp ĐH NTTS 13
tại một HTX nuôi nghêu ở Hà Tiên, Kiên Giang


Một số sinh viên còn được chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong mô hình
nuôi tôm sú sạch từ vua tôm Võ Hồng Ngoãn, Bạc Liêu


Sinh viên tham quan kiến tập mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kín tại Tập đoàn thủy sản Việt Úc, Bạc Liêu