Ngày đăng bài: 15/12/2023 11:01
Lượt xem: 515
Xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở và vai trò của các trường đại học
Bài viết nêu vai trò của các trường đại học trong xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở theo Quyết định 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/09/2023 và nêu một vài gợi ý để triển khai quyết định đó.

Tóm tắt: Bài viết nêu vai trò của các trường đại học trong xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở theo Quyết định 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/09/2023 và nêu một vài gợi ý để triển khai quyết định đó.

Các từ khóa: tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), vai trò của các trường đại học, Quyết định 111/QĐ-TTg, khung năng lực TNGDM

Abstract: The article outlines the role of universities in building open educational resources according to Decision 1117/QD-TTg of the Prime Minister dated September 25, 2023 and gives a few suggestions for implementing that decision. .

Keywords: open educational resources (OER), the role of universities, Decision 111/QD-TTg, OER competency framework

***

Ngày 25/09/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg[1] Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Để biết vai trò của các trường đại học trong việc xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), là cần thiết để chỉ ra tất cả các điểm có liên quan tới các trường đại học trong Quyết định đó theo dòng thời gian, đặc biệt trong giai đoạn đầu của Chương trình, các năm 2023-2026.

Trước hết khẳng định rằng, như tiêu đề của Quyết định 1117/QĐ-TTg, tất cả nội dung của nó đều có liên quan tới các trường đại học, thể hiện trong các việc: (1) hoàn thành các mục tiêu; (2) triển khai các nhiệm vụ, giải pháp; (3) lên kế hoạch đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình; và (4) tổ chức thực hiện Chương trình. Vì vậy có thể nói, các trường đại học có vai trò chính, then chốt trong hầu như tất cả các hoạt động của Chương trình, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ quan trọng của các bên liên quan khác.

Các trường đại học vừa là các tác nhân có vai trò trực tiếp xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, đồng thời cũng là bên trực tiếp thụ hưởng các thành quả của việc xây dựng đó, dù họ không phải là bên thụ hưởng duy nhất, mà bất kỳ người học nào có nhu cầu cập nhật kiến thức giáo dục đại học và học tập suốt đời.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023-2026 các trường đại học cần hoàn thành gồm 3 nội dung chính:

  1. Xây dựng và vận hành cổng truy cập tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) trong giáo dục đại học (GDĐH) trở thành địa chỉ tìm kiếm tài liệu học tập, giảng dạy và nghiên cứu tin cậy cho người học, cán bộ, giảng viên các cơ sở GDĐH và những người có nhu cầu cập nhật kiến thức GDĐH.

  2. Xây dựng, phát triển TNGDM trong GDĐH. Nội dung này đưa ra các tỷ lệ phần trăm cụ thể: (1) các cơ sở GDĐH tham gia xây dựng, phát triển TNGDM trong GDĐH; (2) số ngành đào tạo các trình độ của GDĐH có giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập được đưa lên hệ thống cổng truy cập TNGDM trong GDĐH; và (3) số ngành đào tạo các trình độ của GDĐH có giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập được đưa lên hệ thống cổng truy cập TNGDM trong GDĐH.

  3. Khai thác, sử dụng TNGDM trong GDĐH. Nội dung này đưa ra các tỷ lệ phần trăm cụ thể: (1) các cơ sở GDĐH khai thác, sử dụng nội dung tài liệu giảng dạy, giáo trình từ nguồn TNGDM trong GDĐH; (2) số khóa đào tạo, khóa bồi dưỡng do các cơ sở GDĐH tổ chức thực hiện khai thác, sử dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập từ nguồn TNGDM trong GDĐH phục vụ giảng dạy và học tập, trong đó có trên 20% số chương trình đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của GDĐH; (3) số cán bộ, giảng viên các cơ sở GDĐH khai thác, sử dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập từ nguồn TNGDM trong GDĐH phục vụ giảng dạy và nghiên cứu; (4) số người học đang học tập trong các cơ sở GDĐH khai thác, sử dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập từ nguồn TNGDM trong GDĐH phục vụ học tập và nghiên cứu.

Quyết định cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp để có thể hoàn thành các mục tiêu được nêu, cụ thể gồm:

  1. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn TNGDM: (a) Xây dựng, ban hành quy định của Chính phủ về việc xây dựng, công bố, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng TNGDM trong GDĐH; quy định các chế độ, chính sách để khuyến khích các cơ sở GDĐH, các nhà giáo, nhà khoa học tham gia đóng góp, chia sẻ, khai thác và sử dụng TNGDM trong GDĐH; (b) Xây dựng, ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng nguồn TNGDM trong GDĐH.

  2. Xây dựng và phát triển kho dữ liệu về TNGDM trong GDĐH của hệ thống GDĐH Việt Nam: (a) Xây dựng và phát triển kho dữ liệu về TNGDM trong GDĐH với các trình độ, các ngành đào tạo và các chương trình đào tạo đang triển khai thực hiện tại cơ sở đào tạo để kết nối liên thông với kho dữ liệu về TNGDM trong GDĐH của hệ thống GDĐH Việt Nam; (b) Huy động, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia xây dựng, hoàn thiện và phát triển về TNGDM trong GDĐH.

  3. Xây dựng và vận hành cổng truy cập TNGDM trong GDĐH: (a) Xây dựng cổng truy cập TNGDM trong GDĐH chung của hệ thống GDĐH Việt Nam kết nối liên thông với kho dữ liệu TNGDM của từng cơ sở GDĐH và cổng học liệu số GDĐH, kho tài liệu khác về GDĐH; (b) Vận hành, duy trì và phát triển cổng truy cập TNGDM trong GDĐH.

  4. Nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng, vận hành và khai thác mô hình nguồn TNGDM trong GDĐH: (a) Tăng cường công tác thông tin và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nói chung và tại các cơ sở GDĐH về vai trò, ý nghĩa của mô hình nguồn TNGDM trong GDĐH đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập và học tập suốt đời; (b) Tổ chức hội thảo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, người học trong các cơ sở GDĐH về việc xây dựng mô hình nguồn TNGDM trong GDĐH và việc phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng TNGDM trong GDĐH.

Trong 4 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trên, có thể thấy nhiệm vụ và giải pháp số 2 về ‘Xây dựng và phát triển kho dữ liệu về TNGDM trong GDĐH của hệ thống GDĐH Việt Nam’ và một phần của nhiệm vụ và giải pháp số 4 về ‘Tổ chức hội thảo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, người học trong các cơ sở GDĐH về việc xây dựng mô hình nguồn TNGDM trong GDĐH và việc phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng TNGDM trong GDĐH’ là hoàn toàn nằm ở phía các trường đại học, nơi các trường đại học đóng vai trò chủ trì và có thể hoàn toàn chủ động triển khai các hoạt động, trong khi với các nhiệm vụ và giải pháp còn lại thì các trường đại học đóng vai trò phối hợp. Thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp này cũng là để đạt được các mục tiêu số 2 và 3 được nêu ở trên, đó là Xây dựng, phát triển, khai thác và sử dụng TNGDM trong GDĐH.

Câu hỏi được đặt ra ở thời điểm này là: làm thế nào để các trường đại học có thể chủ động triển khai tốt và có hiệu quả các hoạt động thuộc về các nhiệm vụ và giải pháp có liên quan nhằm đáp ứng được các mục tiêu Xây dựng, phát triển, khai thác và sử dụng TNGDM trong GDĐH.

Nhận thấy, việc xây dựng, phát triển, khai thác và sử dụng TNGDM nói chung, cho và/hoặc trong GDĐH nói riêng, đều là các lĩnh vực năng lực thành phần của một Khung năng lực TNGDM như Khung năng lực TNGDM đã được Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ - IOF (International Organisation de la Francophonie) lần đầu tiên xuất bản tháng 9/2016[2], trước thời điểm Khuyến nghị TNGDM của UNESCO được 193 quốc gia thành viên phê chuẩn ngày 25/11/2019[3]. Cũng vì lý do này mà Khung này hiện đang được tùy chỉnh và cập nhật cho phù hợp với Khuyến nghị TNGDM 2019 của UNESCO và bối cảnh của Việt Nam (chẳng hạn như Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam). Dự kiến, Khung năng lực TNGDM được tùy chỉnh này, như được minh họa trên Hình 1, sẽ được phát hành sớm nhất có thể trong năm 2023.

Hình 1. Khung năng lực TNGDM, DOI: https://zenodo.org/record/8378254

Việc ra đời kịp thời Khung năng lực TNGDM có khả năng tạo thuận lợi cho các trường đại học triển khai chủ động hơn các công việc đáp ứng được một phần các nhiệm vụ/giải pháp cũng như các mục tiêu 2 và 3 của Quyết định 1117/QĐ-TTg.

Kết luận và gợi ý

Tóm tắt lại có thể nói, các trường đại học đóng vai trò chính, then chốt trong việc xây dựng nguồn TNGDM không chỉ cho riêng mình họ, mà còn cho bất kỳ ai có quan tâm tới việc có được giáo dục đại học, cũng như trong việc thúc đẩy xây dựng nguồn TNGDM ở các bậc học khác, bao gồm cả học tập suốt đời.

Các trường đại học có vai trò phối hợp, cộng tác tích cực trong việc xây dựng/vận hành và kết nối liên thông với cổng truy cập TNGDM trong GDĐH để đóng góp/chia sẻ/khai thác và sử dụng chung TNGDM của từng trường đại học với các TNGDM được tạo ra từ các trường đại học khác.

Các trường đại học có rất nhiều việc cần làm để triển khai Quyết định 1117/QĐ-TTg để thể hiện vai trò của mình, nhiều trong số đó có thể bắt đầu triển khai ngay trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý nhà nước bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn TNGDM; cũng như xây dựng và vận hành cổng truy cập TNGDM dùng chung trong GDĐH.

Gợi ý một công việc khác các trường đại học có thể chủ động được trong các hoạt động của mình trong việc thực hiện Quyết định 1117/QĐ-TTg là rà soát lại các tài liệu nội sinh, luận văn luận án của các cán bộ giảng viên và sinh viên của nhà trường để cân nhắc liệu có thể cấp phép mở cho các tài liệu đó để chúng trở thành TNGDM được hay không để có thể vừa chia sẻ chúng trong nội bộ nhà trường, vừa có thể đóng góp cho cổng truy cập TNGDM trong GDĐH. Để việc này có thể xảy ra suôn sẻ, chắc chắn nhà trường cũng sẽ cần xem xét ban hành chính sách hỗ trợ cho việc ứng dụng và phát triển TNGDM, cho việc cấp phép mở và chia sẻ mở các nguồn tài liệu nội sinh/luận văn luận án của mình nhằm thu hút và tạo thuận lợi cho các cán bộ giảng viên, sinh viên và các nhà nghiên cứu của nhà trường triển khai thực hiện các hoạt động có liên quan.

Việc triển khai vào thực tế Khung năng lực TNGDM thông qua các hoạt động như hội nghị, hội thảo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, người học trong các cơ sở GDĐH sẽ giúp cho các trường đại học hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu 2 và 3 của Quyết định 1117/QĐ-TTg.

Các trường đại học có thể tham khảo thêm 5 lĩnh vực hành động được UNESCO khuyến nghị cho tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, được nêu trong Khuyến nghị TNGDM 2019 của UNESCO[3], gồm: (1) Xây dựng năng lực; (2) Phát triển chính sách hỗ trợ; (3) Truy cập hiệu quả tới TNGDM chất lượng; (4) Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho TNGDM; và (5) Khai thác và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế. Từng lĩnh vực hành động đều được chi tiết hóa bằng nhiều hoạt động cụ thể mà các trường đại học có thể tùy chỉnh để áp dụng cho phù hợp với nội dung của Quyết định 1117/QĐ-TTg cũng như bối cảnh và từng giai đoạn phát triển TNGDM của riêng mình.

Tài liệu tham khảo

[1] Trang thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại họchttps://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208699

[2] International Organisation de la Francophonie (2016): Open Educational Resources Competency Frameworkhttps://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000266159_engCC BY 4.0.

[3] UNESCO, 25/11/2019: Recommendation on Open Educational Resourceshttps://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373755/PDF/373755eng.pdf.multi.page=3. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/o6lml26uw88ear2/DCPMS_U1911920_Vi-04122019.pdf?dl=0

 


 

Giấy phép nội dungCC BY 4.0 Quốc tế.

Tự do tải về bài viết định dạng PDF ở địa chỉ DOI: 10.5281/zenodo.10086183

Tự do tải về bài trình chiếu tại hội thảo ở địa chỉ: https://www.dropbox.com/scl/fi/1493z3a61km63m8pdjsjm/OER_and_HEI_Roles.pdf?rlkey=gys3aq58hnfquw0kt8fleu0xd&dl=0

Tweethttps://twitter.com/nghiafoss/status/1722563679760322767

ORCID logo Lê Trung NghĩaORCID iD: https://orcid.org/0009-0007-7683-7703

Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER)

Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (AVU&C)

Bài viết cho tọa đàm ‘Xây dựng nguồn Tài nguyên Giáo dục Mở và vai trò của các trường đại học’, do Câu lạc bộ Giáo dục Mở thuộc Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 09/11/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.