Ngày đăng bài: 27/11/2023 08:20
Lượt xem: 315
Triết lý và nhân văn trong tác phẩm của nhà văn, nhà giáo Lê Tư
Nhà văn Lê Tư có hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo, trước khi về nghỉ hưu và chuyên tâm cho việc viết sách. Ông tên thật là Lê Văn Tư, quê quán ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, còn có bút danh Phong Đình và là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang.

Ông đã xuất bản tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi “Tiếng nhạc trong lòng đá” (Nhà xuất bản Văn nghệ, 2007); tập truyện ngắn, bút ký “Bức họa lửa hoàng hôn” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017) và có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo, tạp chí...

Nhà thơ Võ Tấn Cường từng bộc bạch: “Đối với thầy Lê Tư, công việc viết văn luôn là sự bắt đầu. Mỗi truyện ngắn, bút ký, tản văn của ông luôn là sự khám phá vẻ đẹp của con người, thể hiện sự bí ẩn của sự vật và thiên nhiên.

Ông là người sống thầm lặng, sáng tác thầm lặng và thầm lặng cả trong mối quan hệ với bạn bè sáng tác văn học”. Đặc biệt  tập truyện ngắn, bút ký “Bức họa lửa hoàng hôn” của ông có sức hút và lôi cuốn người đọc từ truyện đầu đến truyện cuối. Những câu chuyện của thầy thường mang đến cho người đọc cảm giác trầm buồn, da diết và sâu lắng.

Dù viết về những số phận bươn trải trong cuộc sống hiện tại hay hoài niệm quá khứ và kể cả tình yêu của những con người trẻ tuổi, các nhân vật trong “Bức họa Lửa hoàng hôn” đều là những gương mặt chúng ta thường gặp hằng ngày, đó là một người bán bánh dạo, là một bà mẹ vất vả quanh năm để bảo vệ khu vườn, là ông cựu chiến binh luôn trăn trở việc tìm hài cốt đồng đội, là anh họa sĩ khắc khoải với bức tranh… Nhưng tác giả đã thấu hiểu và thay họ trải lòng qua từng câu chữ, để từ đó khơi gợi lên trong người đọc một cái nhìn cảm thông với những cảnh đời vất vả trong cuộc sống vốn nhiều khắc nghiệt này.

Tác phẩm “Lời nguyện ước của dòng sông” là nỗi niềm khắc khoải của ông Bảy khi trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Có thể nói, cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần của người lính vẫn còn âm ỉ, nhức nhối, thực khó khỏa lấp. Cách dẫn truyện thú vị, tạo được tình huống bất ngờ, tính nhân văn toát lên ở từng chi tiết.

Tác giả rất dụng công trong việc tái hiện lại không gian chiến trường qua hồi ức của ông Bảy. Trở lại chiến trường xưa tìm lại mộ phần của đồng đội, quá khứ chiến tranh lại hiện về với những chi tiết chân thực; không gian trận đánh như cuốn phim tái hiện lại trong ký ức của ông Bảy  hiện thực trộn lẫn với quá khứ chiến tranh như một vết thương không bao giờ lành.

Ở đoạn cuối truyện “Ông Bảy thắp mấy nén nhang thành kính tưởng nhớ người đồng đội để rồi lại đứng thẩn thờ. Thình lình, tất cả như kinh ngạc thấy ông như chợt tỉnh, thu gom mớ đồ lễ đã tận tụy mang đến để quăng cả xuống sông cho nước cuốn trôi đi”.

Theo dõi truyện, người đọc thấy có sự chồng lấn nhiều trạng thái tâm trạng, khi hồi hộp dõi theo, khi phỏng đoán nhưng sai lệch với tác giả, thậm chí tưởng chừng hướng theo kiểu những nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ. Nhưng không, nhà văn sử dụng cái kết bất ngờ khi dòng sông quê hương dang rộng vòng tay đón lấy những người anh hùng.

Hoài niệm những điều rất giản dị trong cuộc sống nhưng chúng ta thường lãng quên đi, nhưng chúng ta sẽ lại nhớ khi bắt gặp những xúc cảm của chính mình qua nhân vật ông Phương trong câu chuyện “Đêm chùa Hương”.

Đó là một chuyến hành trình đi chùa Hương như bao người khách khác của ông Phương. Nhưng trong đêm, lúc “mơ mơ màng màng” những câu đối đáp và cái giọng giống như tên Khuông làm ông như sống lại cái thời miền Nam mới giải phóng với bao khó khăn. Trong lúc mọi người đang hăng hái khắc phục khó khăn, xây dựng đất nước thì cũng có những tên cơ hội như Khuông.

Những mảnh ký ức bộn bề ở cái thời khó khăn của thời bao cấp liên tiếp hiện về, khiến người đọc lớn tuổi hoài niệm cái thời đã qua. Truyện trôi đi cùng những cơn chập chờn “nửa tỉnh nửa mê” của ông Phương khi là cán bộ thương nghiệp, khi bị tha hóa, lúc đứng trước tòa…

Với thế mạnh của một cây viết chín muồi, dày dạn kinh nghiệm, tác giả giúp người đọc tái hiện lại tình hình ở các cơ quan thương nghiệp vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Cuộc sống gia đình thiếu thốn còn trong cơ quan thiếu cán bộ, trưng dụng những người “khéo ăn, khéo nói” như tên Khuông làm việc cạnh ông.

Sự khéo léo lấy lòng ông và gia đình của tên Khuông như một viên đạn bọc đường mà những người cán bộ trung kiên không hề hay biết, để rồi sau này ông phải thừa nhận “Thủ đoạn của Khuông là siết chặt ông vào những điều bê bối không thể thoát ra, chẳng khác nào “án giết người” phải có trong giới tội phạm”. Truyện có tính thời sự báo chí với những chi tiết giàu chất phóng sự. Một bức tranh xã hội đương thời đã phần nào được lột tả, với tính cảnh báo cao.

Năm 2022, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm về tác phẩm của nhà văn Lê Tư thu hút đông đảo các tác giả là hội viên Chi hội Văn học, bạn đọc và bạn bè đồng nghiệp của nhà văn Lê Tư.

Buổi tọa đàm có 8 tham luận của các tác giả: Thu Trang, Trương Trọng Nghĩa, Lê Ái Siêm, Võ Tấn Cường, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Quang Huy và Huỳnh Thị Quỳnh Nga xoay quanh các tác phẩm đã công bố của nhà văn Lê Tư.

Các tham luận đánh giá cao những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật và thể hiện sự trân trọng trước công việc sáng tác hết sức thầm lặng, góp phần làm phong phú thêm cho diện mạo văn học Tiền Giang đương đại, nhất là ở mảng văn học thiếu nhi.

Ở một mảng khác của cuộc sống thời hiện tại, người ta thấy một Lê Tư mổ xẻ tinh tế và sắc sảo vào sự thay đổi của con người, của cá nhân trong một xã hội phát triển với sự đề cao vật chất và thực dụng. Trong truyện ngắn “Khu vườn cổ tích” là cái vị chua cay như nước mắt của mẹ Bảy thấy đứa con trai mình quá nhu nhược trước con dâu đầy tính toán.

Cũng là phận làm dâu nhưng mẹ Bảy vẫn quyết tâm bảo vệ khu vườn thuốc của nhà chồng, trong khi đứa con dâu lại khăng khăng đòi bán vì giá trị của mảnh đất. Bà vẫn “nhịn nhục, trở thành cái bia thụ động cho những “cú hích” thường xuyên của “trẻ khôn qua, già lú lại” để giữ khu vườn thuốc.

Có thể nói, mỗi câu chuyện trong tập truyện ngắn, tác giả đều gửi gắm một thông điệp khi trữ tình đằm sâu, khi khốc liệt ám ảnh; mỗi nhân vật một gương mặt, một hoàn cảnh, một tính cách. Tác giả đã cho ta có một cái nhìn thấu đáo hơn, thực tế hơn về cuộc sống của hôm qua và hôm nay.

Chính vì vậy, đọc truyện ngắn của nhà văn Lê Tư, người đọc yêu cái lòng chân thật như bản tính của tác giả. Người đọc phải đọc từ đầu đến cuối truyện mới theo dõi câu chuyện theo một trình tự khít khao không cắt xén được. Đặc điểm kế tiếp trong cách viết của tác giả là các câu văn thường ngắn gọn.

Điều đó cho thấy tác giả thể hiện tính cẩn thận của một nhà giáo trong việc dùng các dấu phẩy, dấu chấm, câu văn gọn gàng và sáng sủa. Thêm vào đó, cách  dùng chữ của ông rất chính xác, bình dị, đôi lúc mộc mạc mà vẫn không làm cho nội dung của các truyện trở nên nghèo nàn; nổi bật là việc sử dụng dấu ngoặc kép những từ có nghĩa đặc biệt…

Một điểm khác góp thêm vào nét riêng biệt trong văn của tác giả là các mẫu đối thoại vừa ngắn gọn, vừa tự nhiên như những lời nói đời thường, người đọc càng thấy các câu đối thoại nhà văn viết giống như ông đang nói chuyện hằng ngày trong đời sống của ông.

Truyện ngắn của nhà văn, nhà giáo  Lê Tư  luôn kết thúc có hậu, hoặc kết thúc câu chuyện có hướng mở, để thức tỉnh lương tâm của người đọc hay định ra hướng đi mới tiến bộ hơn. Đọc và chiêm nghiệm thấy từng truyện hiện ra đúng như sự việc thật của cuộc sống xung quanh ta, chỉ khác qua ngòi bút của tác giả nó sống động, như đang hiện ra viễn cảnh trước mắt người đọc, làm cho con người phải suy xét lại cách sống, tình yêu và những trăn trở trong cuộc sống.

LÊ QUANG HUY