Đặt vấn đề
Yêu cầu đào tạo năng lực thông tin (NLTT) cho sinh viên ngày nay trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong trường đại học. Sinh viên không những cần trang bị NLTT để sử dụng thành thạo thư viện, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu mà cần phải hiểu rõ về NLTT và vai trò của nó trong thời đại mới. Hoàn thiện NLTT song song với quá trình học tập và rèn luyện tại trường, đáp ứng yêu cầu về nhân lực của xã hội hậu công nghiệp với đỉnh điểm là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 [6]. Trước thực trạng này, công tác triển khai đào tạo NLTT cho sinh viên không còn là nhiệm vụ của thư viện trường mà trở thành một phần quan trọng trong chương trình giáo dục đại học.
1. Khái quát công tác đào tạo năng lực thông tin
1.1.Vấn đề về công tác đào tạo năng lực thông tin
Về mặt ý nghĩa, công tác đào tạo NLTT có thể được hiểu là một quá trình từ việc điều tra khả năng khai thác, xử lý thông tin của sinh viên và đưa ra những kế hoạch phù hợp, đề xuất giải pháp để nâng cao NLTT cho sinh viên [5].
Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển với hàng loạt các ứng dụng hỗ trợ người dùng tin nói chung, mạng xã hội trở thành kênh thông tin phổ biến, việc nâng cao NLTT cho sinh viên trở nên vô cùng quan trọng, nó định hướng sinh viên sử dụng thông tin hiệu quả trong việc phục vụ nhu cầu bản thân. Thực chất, đào tạo NLTT đã được một số trung tâm thông tin và thư viện đại học ở Việt Nam thực hiện, mang lại những hiệu quả thiết thực, trở thành một trong những hoạt động quan trọng gắn liền với chức năng của thư viện và các cơ quan thông tin.
1.2. Đào tạo năng lực thông tin cho sinh viên
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu nguồn nhân lực không chỉ nhuần nhuyễn về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn có kiến thức cũng như kỹ năng tốt về công nghệ, chủ động, sáng tạo và NLTT lại là một trong những thước đo về mức độ làm chủ, nắm bắt thông tin giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân. Vì lẽ đó, trường đại học với sứ mệnh chính là đào tạo sinh viên - lực lượng lao động tri thức tương lai của xã hội cần xem công tác đào tạo NLTT như là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện [5]. Công tác này có những nét đặc thù cơ bản sau:
- Đáp ứng yêu cầu của giáo dục đại học hiện nay: lấy người dùng tin làm trung tâm, định hướng để họ học tập một cách độc lập và sáng tạo, trường đại học phải tham gia vào công tác nâng cao NLTT cho sinh viên. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, vì việc tìm kiếm, chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin là cả một quá trình. Bên cạnh đó, các nguồn tin từ truyền thống đến hiện đại đều tồn tại dưới rất nhiều dạng thức, việc hướng dẫn cho sinh viên lựa chọn đúng nguồn tin là một vấn đề vô cùng cần thiết, vì nó hỗ trợ tối đa cho việc học tập, nghiên cứu nói riêng và kỹ năng ra quyết định, giải quyết công việc nói chung.
- Nội dung đào tạo NLTT phải gắn liền với yêu cầu của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ: nâng cao NLTT hỗ trợ sinh viên có cái nhìn thấu đáo về việc sử dụng thông tin, từ đó chủ động tư duy tích cực, sáng tạo, tiếp cận thông tin một cách linh hoạt, hiệu quả và hợp pháp trong mọi lĩnh vực khoa học cũng như giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
- Nội dung đào tạo phải đảm bảo tính hệ thống và toàn diện: Khả năng thông tin của sinh viên không đồng đều, nên để có thể nắm bắt được NLTT, các trường phải xây dựng nội dung chương trình cơ bản, hoàn chỉnh, dễ tiếp thu với mọi trình độ, nhất là đối với những sinh viên kém về kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin. Cần giáo dục cho họ ý thức về tầm quan trọng của việc nắm bắt và xử lý thông tin trong thời đại mới, thời điểm mà khối lượng thông tin được sản sinh như vũ bão. Như vậy, công tác đào tạo NLTT mới đạt được hiệu quả tối đa.
2. Một số nội dung trong chương trình đào tạo năng lực thông tin
Để thực hiện được mục tiêu đào tạo NLTT cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của nguồn nhân lực trong thời đại mới, trường đại học cần xây dựng phương hướng đào tạo NLTT cho sinh viên từ cơ bản đến nâng cao, từ việc nhận biết yêu cầu tin, tìm tài liệu trong thư viện, tìm và đánh giá thông tin trên Internet, sử dụng một số phần mềm phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học đến việc chọn lọc và sử dụng thông tin [1].
2.1. Kỹ năng nhận biết yêu cầu tin
Sinh viên có nhiều cách để nhận biết nhu cầu sử dụng thông tin của bản thân, từ nhu cầu tin sẽ được khái quát thành yêu cầu tin và thực hiện quá trình tìm tin. Như vậy, việc xác định chính xác yêu cầu tin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đào tạo NLTT.
Nhu cầu tin của sinh viên thường gắn liền với một môn học hoặc một công trình nghiên cứu khoa học, đó có thể là tài liệu tham khảo, thông tin phục vụ cho môn học hoặc công trình nghiên cứu đó. Nhu cầu tin phục vụ cho một mục đích cụ thể, cần phân biệt giữa nhu cầu tin với sở thích tin. Sở thích tin chỉ là những tài liệu, thông tin sinh viên thích và muốn đọc, không phục vụ cho mục đích học tập hay nghiên cứu.
Có thể khái quát các bước để xác định yêu cầu tin như sau:
- Xác định lĩnh vực, các nội dung chính của môn học hoặc công trình nghiên cứu.
- Xác định các vấn đề cần hay mục tiêu của môn học hoặc công trình nghiên cứu đó đang hướng đến giải quyết.
- Tham khảo ý kiến của giảng viên về các kênh thông tin có thể tìm kiếm tài liệu phục vụ cho môn học hoặc công trình nghiên cứu.
- Từ các nội dung chính và mục tiêu của môn học, công trình nghiên cứu có thể khái quát thành những từ hay cụm từ đơn giản (từ khoá tìm kiếm), kết hợp với các toán tử luận lý (Boolean) được hỗ trợ trong các công cụ phục vụ tìm kiếm. Tiến hành tìm kiếm tài liệu hoặc thông tin tại thư viện, trên Internet hay từ các kênh thông tin được giảng viên hướng dẫn.
2.2. Kỹ năng tìm tài liệu trong thư viện
Được hiểu là quá trình tìm kiếm và đánh giá tài liệu truyền thống (sách) trong thư viện. Sinh viên có thể tìm được tài liệu chính xác mà mình cần trong thư viện sau khi đã thực hiện các hoạt động sau:
- Tham khảo ý kiến của giảng viên về tài liệu tham khảo cho môn học, những tài liệu được giảng viên đặc biệt nhấn mạnh.
- Tham gia lớp tập huấn về sử dụng thư viện tại trường đại học để được hướng dẫn cách tìm một tài liệu trong thư viện.
- Tham quan thực tế thư viện để biết được cách bố trí các kệ sách, cũng như sự phân bố tài liệu theo các lĩnh vực khoa học trong thư viện.
2.3. Kỹ năng tìm và đánh giá thông tin trên Internet
2.3.1. Kỹ năng tìm tin trên Internet
Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Đó là một thế giới dữ liệu khổng lồ, là nơi để khám phá những thông tin có giá trị cho mỗi cá nhân. Hơn thế nữa nó còn cung cấp những công cụ tra cứu dữ liệu mạnh nhất, hỗ trợ tìm kiếm các văn bản siêu dữ liệu với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, vì lượng thông tin lưu trữ trên Internet là rất lớn nên nó có thể biến quá trình tìm kiếm trở thành một cuộc hành trình với nhiều thách thức khó khăn, nhưng cũng đồng thời là một chuyến khám phá. Một vài đặc điểm nổi bật của việc tìm kiếm và định hướng trên Internet [4]:
- Với lợi thế của môi trường trực tuyến, thông tin liên tục được cập nhật và bổ sung lên Internet, vì vậy không có một con số thống kê chính xác về lượng thông tin có thể truy cập trên Internet. Người ta chỉ có thể ước tính có khoảng 3 tỷ tài liệu vào năm 2001.
- Những tài liệu lưu trữ trên Internet hầu như không được xử lý bằng bất kỳ một hệ thống tiêu chuẩn lưu trữ nào. Không giống như trong các thư viện, nơi người ta sử dụng các chủ đề, tên tài liệu hoặc tác giả để xử lý và lưu trữ tài liệu. Internet được đánh chỉ mục dựa trên từ khoá, do đó buộc chúng ta phải đoán các thuật ngữ liên kết đến trang web mà chúng ta muốn tìm kiếm.
- Không thể tiến hành tìm kiếm trực tiếp trên Internet. Một máy tính cá nhân không thể tra cứu được tất cả các trang web trên thế giới. Bởi số lượng khổng lồ gần một tỷ trang web được thống kê (Hình 1). Chúng ta chỉ có thể sử dụng các kỹ năng được hướng dẫn trong bài học này, truy cập vào một trong số các công cụ sẵn có trên Internet và sử dụng chúng để tìm kiếm thông tin có hiệu quả.
Hình 1: Biểu đồ thống kê số trang web (2000 - 2014) [3]
- Một công cụ cho phép bạn tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu có giới hạn của nó và dung lượng lưu trữ của một công cụ tìm kiếm chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ Internet. Chính vì thế phải kết hợp nhiều công cụ tìm kiếm quản lý trên nhiều nguồn thông tin khác nhau của Internet.
- Bên cạnh các cỗ máy lưu trữ và truyền bá thông tin, tồn tại những biến thể khác của nó, tương tự như ấn phẩm in. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng lại tuỳ thuộc vào từng cơ quan. Chính vì vậy, chất lượng của nội dung cần được xem xét cẩn thận.
2.3.2. Kỹ năng đánh giá thông tin trên Internet
Với số lượng kết quả tìm kiếm cho mỗi yêu cầu tin, sinh viên cần đánh giá chất lượng kết quả để chọn những kết quả phù hợp nhất đối với yêu cầu tin của mình. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của các nguồn tin trên Internet khiến việc đánh giá thông tin tìm trên Internet được cho là khó khăn hơn so với đánh giá thông tin tìm thấy trên các nguồn tin truyền thống như sách, tạp chí chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu mang tính học thuật. Một số nguyên nhân cụ thể khiến sinh viên phải đánh giá thông tin trên Internet:
- Thông tin được lưu trữ với số lượng khổng lồ và số lượng ngày càng tăng.
- Cập nhật liên tục và nhanh chóng, dẫn đến thiếu tính ổn định.
- Đa phần mang tính chất mở, phục vụ cộng đồng nên ai cũng có thể xuất bản thông tin lên Internet.
- Chất lượng thông tin không đồng đều, khó kiểm soát.
Từ những nguyên nhân liệt kê ở trên, để đánh giá chất lượng của thông tin trên Internet, chúng ta có thể đánh giá dựa theo một số tiêu chí [4] như sau:
Tác giả: Yếu tố quan trọng đầu tiên khi đánh giá chất lượng thông tin chính là dựa vào thông tin chính tác giả đã tạo ra công trình đó, có thể bao gồm: Tên tác giả, nghề nghiệp, kinh nghiệm, trình độ, chức vụ, quá trình đào tạo của tác giả, hay những thông tin chứng thực khác… Một tác giả nổi tiếng thì đa phần các tài liệu của họ sẽ có giá trị tham khảo. Ngoài ra, nếu tài liệu là của tổ chức hay cơ quan thì thông tin của tổ chức hay cơ quan cũng có thể được xem xét để đánh giá.
Nơi xuất bản: Thông tin từ cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học thường đáng tin cậy hơn so với các cơ quan kinh doanh. Chẳng hạn như Elsevier, Springer-Nature, Taylor and Francis… là các nhà xuất bản ấn phẩm khoa học nổi tiếng của thế giới, các công trình công bố thường mang giá trị tham khảo và ứng dụng cao [2]. Đối với tài liệu là web nên kiểm tra tên miền của tài liệu, ưu tiên các tên miền có phần mở rộng là .edu, .gov, .org...
Mục đích: Một trang web thường được tạo dựng dựa trên các tiêu chí và mục đích đề ra. Cần xem xét các yếu tố về mục tiêu hoạt động, đối tượng và lĩnh vực trang web hướng đến, mức độ chuyển tải của thông tin… mà chúng ta sẽ đánh giá đây là một nguồn tin có giá trị.
Tính cập nhật: Một tác phẩm có giá trị là phải có tính mới và đề cập những vấn đề hiện tại, được đánh giá thông qua thời gian tác phẩm xuất bản cũng như thời gian được cập nhật lần cuối nếu là trang web.
Tính chính xác: Thông tin chính là phần quan trọng của tài liệu, việc xác định nguồn thông tin chính xác cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá tài liệu. Một trong những khía cạnh cần xem xét như: thông tin tham khảo có ghi rõ nguồn, số liệu có được lấy từ nguồn đáng tin cậy, đánh giá của chuyên gia thẩm định.
Tính bao quát: Đánh giá thông qua mức độ học thuật của tác phẩm, có bao quát các khía cạnh của đề tài, có lấy đối tượng nghiên cứu làm trọng tâm. Bài viết phải mang tính đầy đủ, cần xác định là bản hoàn chỉnh hay là bản thảo, đối với trang web, có cung cấp toàn bộ tác phẩm không hay chỉ một trích đoạn của tác phẩm.
Tính khách quan: Nguồn thông tin đáng tin cậy là nguồn thông tin được tạo ra một cách khách quan không phụ thuộc quá nhiều yếu tố về cảm xúc. Cần xem xét nội dung có bị ảnh hưởng bởi thành kiến từ một phía, tác phẩm có sử dụng đúng ngôn từ dành cho học thuật, quan điểm của chính tác giả hay không.
Tính phổ biến: Trong thời đại kết nối tri thức, một nguồn thông tin được xem là đáng tin cậy có thể đánh giá thông qua số lượng chia sẻ và tham khảo của nó. Cần xem xét tính phổ biến của tài liệu, được đánh giá bởi người dùng tin cũng như số lượng bài viết sử dụng nó như là tài liệu tham khảo. Hình 2 thể hiện một tài liệu có giá trị với độ phổ biến cao tới 56 nghìn lần tải và được sử dụng như tài liệu tham khảo của hơn 25 nghìn bài báo khác nhau [7].
Hình 2: Thông tin mức độ phổ biến của tài liệu [7]
2.3.3. Kỹ năng chọn lọc và sử dụng thông tin
Sử dụng thông tin tìm kiếm được để phục vụ nhu cầu của bản thân là bước cuối cùng trong quá trình tìm kiếm thông tin. Sau khi đã nhận biết chính xác yêu cầu tin, tìm kiếm và đánh giá thông tin, việc sử dụng thông tin phục vụ cho mục đích của bản thân có hiệu quả hay không cũng là một vấn đề quan trọng, quyết định hiệu quả của cả quá trình tìm kiếm thông tin. Sinh viên cần đối chiếu kết quả tìm với yêu cầu tin ban đầu, xem số lượng tài liệu tìm được có phù hợp hay không, từ đó quyết định thu hẹp hoặc mở rộng kết quả tìm, điều chỉnh lệnh tìm phù hợp hơn với yêu cầu tin.
3. Một số giải pháp góp phần phát triển công tác đào tạo năng lực thông tin trong các trường đại học ở Việt Nam
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động, tích cực, biết tiếp cận nguồn tin và xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Đứng trước thực trạng này, các trường đại học - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng đào tạo NLTT cho sinh viên, bởi không khó để nhận ra những mặt tích cực khi sinh viên có thể làm chủ được thông tin trong thời đại kỷ nguyên số. Một số hướng giải quyết có thể thực hiện là:
Lồng ghép vai trò nâng cao NLTT cho sinh viên vào chuẩn đầu ra chương trình đào tạo
Mỗi trường đại học đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, NLTT cần thiết với bất kỳ chuyên ngành nào. Vì vậy, cần tích hợp yêu cầu về nâng cao NLTT vào chương trình đào tạo của mỗi ngành học. Các bài tập bổ trợ, dự án, bài tập nhóm cần hỗ trợ sinh viên nâng cao NLTT, tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn (thư viện, Internet), nhiều hình thức (in ấn, video, nhạc, tranh ảnh...) và giải thích được nguyên nhân lựa chọn thông tin đó.
Thành lập câu lạc bộ hỗ trợ nâng cao NLTT
Thư viện của trường đại học có thể phân công một số nhân sự chuyên phụ trách đào tạo NLTT, bên cạnh đó tìm kiếm thêm cộng tác viên thư viện (là những sinh viên có NLTT tốt) để thành lập một câu lạc bộ hỗ trợ cho sinh viên về nâng cao NLTT. Tại đây, các câu hỏi, thắc mắc của sinh viên về NLTT sẽ được giải đáp cụ thể, những sinh viên có NLTT yếu sẽ được câu lạc bộ trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ.
Tổ chức các cuộc thi về NLTT tại thư viện
Đây là một hình thức mới, mang nhiều đặc điểm linh hoạt, thú vị hơn so với tổ chức một lớp đào tạo NLTT. Cuộc thi có thể có quy mô nhỏ (dành cho sinh viên đến sử dụng thư viện), hoặc quy mô lớn (dành cho sinh viên toàn trường). Bên cạnh đó, từ những cuộc thi này, thư viện trường có thể lựa chọn cộng tác viên để hỗ trợ cho công tác đào tạo, nâng cao NLTT cho sinh viên.
Giảng dạy về kiến thức thông tin
Các trường đại học cần xây dựng đề cương và tổ chức giảng dạy môn học Kiến thức thông tin; Kết hợp hoặc triển khai riêng lẻ với thư viện trường, tham khảo chương trình đào tạo NLTT của thư viện trường (nếu có) hoặc từ các thư viện/ trung tâm thông tin để thiết lập đề cương chi tiết cho môn học này.
Kết luận
Đào tạo sinh viên từ khi bước vào giảng đường đại học đến khi đủ năng lực trở thành các ứng viên trong quá trình tìm kiếm công việc là một nhiệm vụ to lớn và vô cùng ý nghĩa của giáo dục đại học. NLTT trong giai đoạn hiện nay là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực làm việc, khả năng thích nghi trong môi trường mới. Vì vậy, các trường đại học cần thiết xem xét vấn đề nâng cao NLTT cũng như đảm bảo về yêu cầu NLTT của sinh viên trước khi ra trường, nhằm mục đích cuối cùng là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần khẳng định vị thế của các đơn vị đào tạo đại học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hoàng Giang. Đánh giá hiệu quả đào tạo kỹ năng thông tin cho sinh viên ngành Thông tin : Khoá luận tốt nghiệp. - Cần Thơ: Trường Đại học Cần Thơ, 2009.
2. Lưu Quang Hưng. Đôi nét về làng xuất bản ấn phẩm khoa học quốc tế. trien.vn. Truy cập ngày 25/05/2019.
3. Phi Long. Thế giới cán mốc 1 tỷ website // Báo điện tử VTV News. https://vtv.vn. Truy cập ngày 25/05/2019.
4. Trương Đại Lượng. Phương pháp tìm kiếm và đánh giá thông tin. https://slideplayer.com/slide/ 14836920. Truy cập ngày 24/05/2019.
5. Huỳnh Thị Trúc Phương. Công tác đào tạo kỹ năng thông tin tại Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2010. - Số 3(23). - Tr. 19-22.
6. Industry 4.0: The Fourth Industrial Revolution - Guide To Industrie 4.0. https://www.i- scoop.eu/industry-4-0/. Truy cập ngày 22/05/2019.
7. Springer Link. Distinctive Image Features from Scale-Invariant Keypoints. https://link.springer.com/article/10.1023/B:VISI.0000029664.99615.94. Truy cập ngày 25/5/2019.
____________________________________________________________
ThS. Bùi Vũ Bảo Khuyên, ThS. Mai Mỹ Hạnh, ThS. Nguyễn Tấn Công
Khoa Thư viện – Thông tin học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 32-36,62.